Bình ổn giá cho ai?
Hàng trăm tỷ đồng chi cho các doanh nghiệp bình ổn giá, nhưng hiệu quả ra sao vẫn đang là ẩn số.
Người tiêu dùng không mặn mà với hàng bình ổn, bởi giá giữa các điểm bình ổn khác nhau, thậm chí cao hơn thị trường bên ngoài. Những món ăn sang trọng mà người ở quê cả đời có khi không được nếm, cũng trở thành hàng bình ổn trong siêu thị.
Bình ổn giá nem tôm cua, chả giò
Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng bình ổn năm nay cho thấy sự bất ổn về giá. Lấy ví dụ, tuy cùng là mặt hàng hàng bình ổn, nhưng mức giá mà 2 siêu thị Hapro và Citimart đưa ra lại khác nhau. Cụ thể, với cùng loại chai 1 và 2 lít dầu Neptune, Citimart treo mức giá cao hơn Hapro lần lượt 600 đồng và 1.400 đồng...
Chỉ mới tính riêng một mặt hàng, giữa các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã thiếu nhất quán, giá chênh nhau từ 1 - 2%. Chưa kể, nhiều mặt hàng tham gia bình ổn giá cao hơn thị trường bên ngoài. Chẳng hạn, tại siêu thị Fivimart (Hoàng Quốc Việt), giá nem tôm cua (39.500 đồng/gói 500g), chả giò rế tôm cua 36.200 đồng/hộp 400g,... cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng so với giá bán tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) gần đấy.
Theo bà Nguyễn Hường (phố Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội), các mặt hàng bình ổn nghèo nàn về chủng loại; giá lại không thực sự hấp dẫn. “Thấy quảng cáo điểm bán hàng bình ổn rẻ hơn thị trường 10% nên vào siêu thị tìm mua. Tôi mua chai dầu ăn Simply 1 lít giá 45.000 đồng/chai, nhưng mất thêm tiền xăng đi lại vì xa nhà, cộng tiền gửi xe, tính ra giá lại cao hơn so với bên ngoài”, bà Hường nói.
Chị Bách Hợp (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, dù nhà cách siêu thị bán hàng bình ổn không xa, nhưng không lựa chọn nơi này để mua. Bởi vì giá gọi là bình ổn, trong thực tế không khác mấy so với bên ngoài.
“Thậm chí, một số mặt hàng thuộc diện bình ổn, mua ngoài thị trường giá còn thấp hơn như trứng gà bên ngoài 24.000 - 25.000 đồng/chục, trong khi siêu thị bán với giá 25.000 - 27.000 đồng/chục”, chị Hợp nói.
Quản lý chồng chéo
Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá hàng bình ổn được xây dựng luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Cùng đó, quy định khi nào giá tăng 5 - 10% hoặc giảm dưới 10% thì các đơn vị tham gia bình ổn báo cáo Sở Tài chính, Sở Công Thương xem xét, điều chỉnh. Tuy nhiên, thời gian chờ phê duyệt nhanh nhất cũng phải mất 1 tuần.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội phân tích: “Đang có sự quản lý chồng chéo giữa 2 cơ quan khiến cơ chế điều chỉnh giá hiện nay còn bao cấp, thiếu linh hoạt và không theo kịp thị trường. Sở Công Thương quản về nguồn hàng, duyệt giá do Sở Tài chính chịu trách nhiệm.
Thời gian chờ 2 cơ quan phê duyệt điều chỉnh giá quá lâu. Một tuần giá ngoài thị trường lên xuống mấy lần. Vì vậy, giá thường không đi sát với thị trường. Có thời điểm nguồn cung dư, giá hàng ngoài chợ truyền thống giảm, còn điểm bán hàng bình ổn vẫn leo cao. Giá hàng bình ổn vì vậy khó sát theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”, ông Phú nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá được liên ngành Công Thương và Tài chính xác định là thiết yếu trong một năm. Theo đó, những mặt hàng được chọn trong năm 2013 và Tết 2014 có tổng lượng tiêu thụ nhiều nhất trong các mặt hàng thiết yếu tính theo năm 2012 và dịp Tết 2013.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2012 cả nước có 45/63 tỉnh, thành phố triển khai chương trình bình ổn giá với sự tham gia của 300 doanh nghiệp. Tổng số tiền các địa phương đã dùng để cho vay bình ổn giá năm 2012 là hơn 1.700 tỷ đồng, với lãi suất từ 0% đến 0,3%/năm. Theo kế hoạch, từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, Hà Nội tạm ứng 318 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.
Theo Ngọc Mai – Thanh Hùng