MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạn tiền ăn tiêu, khuyến mãi quanh năm vẫn ế

30-04-2014 - 13:58 PM |

Mặc cho các chương trình khuyến mãi liên tiếp được tung ra nhưng lượng khách hàng vẫn rất thưa thớt. Sức mua thấp khiến các DN đối mặt với nhiều khó khăn.

Liên tục khuyến mãi

Hầu hết các siêu thị trên cả nước đang thực hiện các chương trình bán hàng khuyến mãi giảm giá 'khủng' dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mong kéo sức mua tăng lên.

Tại Hà Nội, từ ngày 25/4 đến 4/5, hệ thống Hapro có chương trình khuyến mại với mức chiết khấu lên đến 50%, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng, kim khí điện máy, hàng may mặc...

Tại TP.Hồ Chí Minh, hệ thống Co.opmart cho biết chuẩn bị 3.000 sản phẩm giảm giá đến 49%, cùng phiếu giảm giá 30.000 đồng, 50.000 đồng, 3 tháng mua hàng miễn phí.... Đặc biệt, từ 28/4 - 1/5 sẽ giảm giá sâu những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhiều sản phẩm được bán với giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000...

Hệ thống Big C trên cả nước cũng chuẩn bị khoảng 1.450 sản phẩm nhắm vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, công nghệ, đồ khô đến hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang, điện tử, điện máy để giảm giá từ 5-40% kèm quà tặng.

Các siêu thị điện máy cũng tấp nập tổ chức khuyến mãi trong thời gian này. Pico đại hạ giá kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 25/4 đến hết 4/5/2014 với hàng ngàn sản phẩm điện máy được giảm giá lên tới 50%. Trần Anh có chương trình giảm giá đến 50% dành cho hàng trăm mặt hàng trong dịp 30/4 - 1/5...

Việc đưa ra các chương trình khuyến mại giảm giá của các siêu thị, nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân, trong suốt một thời gian dài tình hình mua sắm ảm đạm do kinh tế khó khăn, người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, mặc cho các chương trình khuyến mãi "khủng" được tung ra từ sớm, quảng cáo rầm rộ, nhưng nhiều siêu thị cho biết, lượng khách hàng vẫn rất thưa thớt.

Với các siêu thị bán hàng tiêu dùng, vẫn chỉ có những mặt hàng thực phẩm thiết yếu là có doanh số tốt, còn lại đều vắng khách. Với các siêu thị điện máy, dù giá nhiều sản phẩm giảm mạnh như tivi, tủ lạnh, máy giặt... nhưng khách mua vẫn thờ ơ, doanh số tăng không đáng kể.

Không phải đợi đến dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 các siêu thị mới tung ra các chương trình khuyến mãi khủng. Từ đầu năm đến nay các chương trình khuyến mãi đã liên tục được tung ra, hết đợt này đến đợt khác để thu hút khách hàng. Tuy nhiên sức mua vẫn không phục hồi.

"Chúng tôi cũng đã làm đủ cách, từ khuyến mãi cho đến thay đổi bao bì, mẫu mã, đưa ra thị trường sản phẩm mới... nhưng sức mua vẫn thấp", giám đốc 1 DN bán lẻ cho biết.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các siêu thị cho biết đều không đạt doanh số như kỳ vọng, mãi lực liên tục sụt giảm. Người tiêu dùng chỉ chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu và chỉ mua khi có khuyến mãi giảm giá, khiến các DN luôn phải đối diện với tình trạng khó khăn.

Tổng hợp số liệu thống kê ở một số siêu thị lớn trong quý 1/2014, giá trị trung bình mỗi hoá đơn mua hàng là 378.000 đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước...

Người Việt Nam đang ngày càng tiết kiệm chi tiêu, nhiều người cho biết, do thu nhập giảm nên họ chỉ trang trải chủ yếu cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày và có thói quen mua sắm tiết kiệm.

Sản xuất chưa thấy lối ra

Tiêu dùng kém đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN.

Số liệu của Bộ Công thương cho biết, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến 1/1/2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đến ngày 1 tháng 2 tăng 12,7% tiếp đó, đến đầu tháng 3 tăng 13,4% và đến đầu tháng 4 lại tăng 13,9%.

Trong khi đó, tổng cầu vẫn ở mức thấp, quý 1/2014 chỉ tăng 4,3% sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá và chỉ số CPI tăng rất thấp.

Chính vì thế, các chuyên gia lo ngại, tốc độ tiêu thụ thấp hơn tồn kho và CPI thấp đang dẫn sản xuất giảm dần đến chỗ nguy hiểm. .

Theo các chuyên gia, hiện nay khả năng hấp thụ vốn của DN vẫn rất thấp, hàng loạt DN tiếp tục ngừng hoạt động, số khác chỉ hoạt động bằng 50% công suất. Dòng tiền cho sản xuất chưa thực sự được khơi thông, mà vẫn đổ vào trái phiếu.

Sức mua chưa hồi phục thì DN sẽ vẫn thận trọng với các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điều tra mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, các DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vất vả để duy trì hoạt động.

Khảo sát 8.000 DN trong nước và 1.609 DN có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) cho thấy, năm 2013 chỉ vỏn vẹn có 6,4% DN trong nước tăng quy mô đầu tư; 6,3% DN tăng quy mô lao động và chỉ có 32,5% số DN cho biết có ý định tăng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Các DN FDI cũng tương tự, năm 2103 có 5,1% mở rộng quy mô đầu tư và có 28,2% có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư trong 2 năm tới, trong khi con số này năm 2010 là 68,5%, năm 2011 là 45,5%, năm 2012 là 32,7%.

Điều này cho thấy, các nhà kinh doanh chưa thấy lối ra và niềm tin vẫn chưa trở lại với các DN.

Theo Trần Thủy

khanhnt

VEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên