"Có thể các DN liên kết để nâng giá sữa, ảnh hưởng đến người tiêu dùng"
Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, chưa rõ là có 2, 3 hay 4 doanh nghiệp vi phạm nhưng có thể có các doanh nghiệp liên kết để đưa giá sữa lên, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
- 03-03-2014Các “ông lớn” sữa có bắt tay làm giá?
- 02-03-2014Sữa lại đua tăng giá từ 1/3
- 02-03-2014Tự ý tăng giá sữa: Chưa thể kết tội phạm luật?
- 28-02-2014Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc bốn "ông lớn" tăng giá sữa
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào ngày 03/03/2014, nghi vấn về việc các doanh nghiệp sữa vi phạm trong niêm yết kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi lại được đưa ra.
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ tài chính làm đầu mối giải quyết, tuy nhiên Bộ Tài chính sẽ kết hợp với các cơ quan có liên quan, trong đó có Bộ Công thương, và cụ thể sáng ngày 04/03/2014, 2 bộ sẽ họp bàn với nhau để làm rõ các vấn đề. Còn dưới góc độ cái nhìn của Bộ Công thương, Thứ trưởng cho rằng Bộ cũng có trách nhiệm trong việc làm rõ cơ cấu giá như thế nào, các doanh nghiệp có niêm yết đúng giá hay không, hoặc niêm yết giá nhưng có bán đúng giá đó hay không.
Thứ trưởng nói, chưa rõ là có 2, 3 hay 4 doanh nghiệp vi phạm nhưng có thể có các doanh nghiệp liên kết để đưa giá sữa lên, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Vấn đề này liên quan trực tiếp đến việc cạnh tranh lành mạnh, ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường nói, trách nhiệm của Cục quản lý thị trường là kiểm tra các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh không, bán đúng giá hay không và có niêm yết giá hay không. Còn việc kê khai giá, Cục phải phối hợp với các cơ quan khác, mà trước hết là cơ quan quản lý giá của Sở tài chính địa phương. Hiện nay chỉ đạo này của Cục QLTT đã đến được các chi cục QLTT cả nước, yêu cầu thực hiện tất cả các yêu cầu kiểm tra giá, sắp tới sẽ có kết quả.
Trả lời câu hỏi liệu các doanh nghiệp có thông đồng cấu kết đồng loạt tăng giá không, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) cũng cho biết chưa có kết luận cụ thể.
Ông cho biết, sữa là mặt hàng cần bình ổn giá trong đó có một số mặt hàng bị quản lý giá. Thời gian qua, qua quá trình thực tế, cục QLCT biết về khả năng tăng giá của các doanh nghiệp sản xuất sữa ở Việt Nam. Đặc biệt hai năm qua, đối với vấn đề sữa, Cục QLCT luôn theo dõi sát sao số liệu cả trong và ngoài nước.
"Có thể nói rằng thị trường này rất khốc liệt, chưa thấy có các dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh." - ông Nam phát biểu.
"Liên quan đến vụ việc gần đây, chúng tôi cho rằng với những hành vi như vậy, cục QLCT cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan để tập hợp dữ liệu. Nếu phát hiện sẽ chính thức đề nghị ra quyết định điều tra sơ bộ. Quá trình này kéo dài trong thời gian 30 ngày. Nếu phát hiện có sự vi phạm, sẽ chính thức đệ trình lên cơ quan điều tra để ban hành Quyết định điều tra chính thức (thời gian 180 ngày). Nếu vụ việc có tính chất phức tạp hơn thì thủ trưởng cơ quan điều tra sẽ cho phép gia hạn nhưng không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày."
Tóm lại, sự việc vụ này sẽ tiếp tục được theo dõi, và hy vọng sau cuộc họp của hai Bộ tài chính – Bộ Công thương, câu trả lời sẽ rõ ràng hơn.
Hải Minh