Cửa khẩu Lạng Sơn sôi động hàng Tết
Lượng hàng hóa tập kết tại các cửa khẩu đã tăng từ 15 – 20% so với cuối tháng 11/2013.
Hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Thời điểm này, DN xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn đang tập trung cho các gói hợp đồng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân hai nước.
SÔI ĐỘNG
Ghi nhận của chúng tôi những ngày qua, hoạt động tại các cửa khẩu Lạng Sơn sôi động hẳn lên. Ở cửa khẩu Tân Thanh có ngày xuất 128 xe nông sản sang Trung Quốc. Trong khi đó, con số này ở tháng 10 chỉ dao động từ 45 – 50 xe.
Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, trong tháng 11 kim ngạch XNK trong toàn Cục tăng 15% so với tháng 10. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 15%, kim ngạch nhập khẩu tăng 16%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, máy móc, hóa chất, hoa quả tươi… Mặt hàng xuất khẩu vẫn là tinh bột sắn, sắn lát khô, cây cảnh và hoa quả tươi, thủy hải sản…
Riêng cửa khẩu Tân Thanh 10 ngày đầu tháng 12, lượng hàng hóa XNK qua cửa khẩu đã tăng từ 20 – 25% so với cuối tháng 11. Kim ngạch xuất khẩu toàn Chi cục tăng 26% so với tháng trước và cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch lớn chủ yếu là tinh bột sắn, nhân hạt điều, hoa quả, nông sản.
Cùng với đó kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng (19%) do lượng hàng hóa nhập khẩu qua lối mở Na Hình tăng cao. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, quặng, máy móc, linh kiện, phụ tùng và hàng tiêu dùng.
Theo nhận định của nhiều lái buôn tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị thì sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong tháng 12 này như sắn lát, tinh bột sắn, chuối quả tươi, dưa hấu, thanh long, gạo sẽ tăng hơn so với 2 tháng trước và tình hình từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ còn khởi sắc hơn.
Tại cửa khẩu Cốc Nam, các chủ hàng cũng đang tất bật với những chuyến hàng chuyển từ dưới xuôi lên. Năm nay cửa khẩu Cốc Nam được đầu tư nâng cấp nhà làm việc nên các phòng ban giải quyết thủ tục cho DN được tiến hành nhanh gọn, thuận lợi hơn. Còn các lái xe thì phấn khởi vì khu vực cửa khẩu đã được mở rộng thêm bãi tập kết nên việc chen lấn, ùn tắc khó xảy ra và nếu có cũng không kéo dài như một vài năm trước.
Có chứng kiến cảnh các chủ hàng Lý Kim Thu và Vi Thị Hải ở cửa khẩu Cốc Nam mới thấy sự tất bật của các chị vào thời điểm này. Vừa làm việc, vừa tranh thủ trả lời nhanh một số câu hỏi của chúng tôi, chị Thu cho biết: “Tất cả các chủ hàng đều đang căng mình cho việc xuất khẩu hàng Tết sang Trung Quốc. Thời điểm này, nông sản xuất khẩu chính của mình là thanh long, xoài, sầu riêng, ngô bắp, ớt, khoai lang. Cần tranh thủ thời gian để có thể vừa tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân mình, vừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của cư dân nước bạn dịp Tết Nguyên đán”.
Có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh sáng 9/12, chúng tôi thấy bãi tập kết hàng hóa không còn chỗ trống. Ba dãy xe có trọng tải từ 15 – 20 tấn tập kết trên bãi đều sẵn sàng nhận lệnh di chuyển hàng sang bên nước bạn theo những hợp đồng đã ký kết.
Chứng kiến cảnh nhộn nhịp của những container nối đuôi nhau đưa hàng qua khu vực thông quan chúng tôi cảm nhận được sự hối hả của người lao động chạy đua với thời gian khi mà Tết Nguyên đán đang hối thúc họ những chuyến hàng Tết ý nghĩa và giá trị. Nói theo lời của chị Nguyễn Thị Thịnh – nhân viên của Cty TNHH Ngọc Diệp thì đây chính là “tháng củ mật” phải tập trung cao độ.
Những chuyến hàng dưa hấu lần lượt đi qua cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung QuốcTheo chị Thịnh thì tháng trước, trung bình mỗi ngày, Cty xuất bán được 4 – 5 xe thanh long nhưng nay số lượng đã tăng gấp đôi. Mỗi xe hàng có trọng tải 10 tấn và mỗi tấn như vậy bán được 20 triệu đồng, cao hơn cùng kỳ 2 triệu đồng/tấn.
“Năng suất thanh long năm nay giảm hơn so với năm ngoái nhưng bù lại giá bán có nhích lên nên động viên được người sản xuất lẫn kinh doanh. Còn dưa hấu thì năm nay xấu hơn do ảnh hưởng mưa bão nên giá tụt một phần, nhưng vì mới đầu vụ nên nước bạn còn khan hàng có nhu cầu mua nhiều nên vẫn dễ bán” – chị Thịnh cho hay.
CHUYÊN NGHIỆP HÓA ĐỂ NÂNG CAO GIÁ TRỊ
Trao đổi với chúng tôi về tình hình hàng hóa vào dịp trước Tết qua cửa khẩu, bà Đặng Thị Ngân – Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh nói: “Năm nay có một điểm mới là việc XNK hàng hóa không chỉ qua cửa khẩu lớn mà tất cả các cửa khẩu đều được tham gia. Việc XNK hàng hóa, nhất là hàng nông sản qua lối mở này sẽ giảm tải áp lực cho việc kiểm soát và di chuyển hàng ở các cửa khẩu lớn như Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam.
Điều này sẽ hạn chế đến mức tối đa việc ứ đọng hàng hóa nhiều ngày trên bãi, không gây thiệt hại cho DN và người sản xuất trong nước. Vấn đề là cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, phân luồng thật hợp lý để các DN được chủ động trong việc cung ứng hàng khi lựa chọn cửa khẩu để XNK”.
Chứng kiến hàng hóa nông sản XNK qua cửa khẩu nhiều năm liền, bà Ngân nói lên một điều mà theo bà người sản xuất và kinh doanh trong nước cần rút kinh nghiệm. Bà nói: “Có những chuyến hàng của chúng ta bị trả về hầu hết là do phía đối tác chê hoa quả của mình thu hoạch chín quá hoặc non quá. Mà cái đó chủ buôn ở Lạng Sơn làm sao có thể giám sát việc thu hoạch của nông dân ở trong các tỉnh miền Trung và Nam bộ được.
Mặt khác, nhiều lúc nhìn cách kinh doanh của mình cũng không thực sự chu đáo, chẳng hạn dưa hấu của mình thu hoạch ở ruộng xong là bốc lên xe luôn, giữa các lớp quả rải một lớp rơm rạ. Có những quả, bùn đất còn dính lem luốc, trông chẳng bắt mắt người mua chứ đừng nói gì đến ăn. Trong khi đó, quả dưa hấu của Trung Quốc không chỉ ngọt hơn, da mỏng hơn mà còn được đóng gói trong từng hộp xốp rất cẩn thận”.
Cũng theo bà Ngân, ở Trung Quốc các cửa khẩu đều có những bãi tập kết hàng rất rộng lớn, họ còn xây dựng trung tâm bảo quản đông lạnh hàng nông sản nữa. Phải nói rằng họ làm vừa bài bản và chuyên nghiệp. Đây chính là điều mà chúng ta cần học tập và nhất thiết phải mở rộng để đầu tư. Có như vậy mới cạnh tranh được, nâng cao giá trị xuất khẩu.