MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cước vận tải “vô cảm” với giá xăng dầu

24-12-2014 - 15:42 PM |

Bất chấp xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu thời gian qua, trong đó riêng xăng A92 đã giảm hơn 30% kể từ tháng 7-2014, giá cước vận tải vẫn chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí không giảm.


Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-12, Bộ Tài chính cho biết sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giá xăng dầu.

Giá cước “bất động”


ĐBSCL: doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước


Ngày 23-12, ông Thái Viết Nhạn - trưởng phòng quản lý giá và công sản thuộc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang - cho biết vừa có công văn đề nghị các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách đường bộ, đường sông và đường biển tiếp tục giảm giá vé do giá xăng dầu giảm mạnh. Đến thời điểm này mới có 15/47 DN vận tải hành khách đường bộ đăng ký giảm giá vé với mức giảm từ 4,5-7%.


Tại TP Cần Thơ, trong ngày 23-12 các DN vận tải vẫn chưa giảm giá cước. Tuy nhiên trước đó, theo Sở GTVT, có 2/8 DN vận tải hành khách tuyến cố định và 5 DN vận tải hành khách bằng taxi đã giảm giá cước từ 2-15%.

K.NAM - L.DÂN


Gần 3g sáng 23-12, chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) nườm nượp xe tải vận chuyển các loại hàng hóa ra vào.

Khi nghe nói đến chuyện giá xăng dầu giảm, chủ xe Lê Tấn Đạt (Tiền Giang) vừa đưa xe hàng 4 tấn thơm (khóm) vào tới chợ, bảo: “Không ăn thua gì đâu, khó giảm thêm giá cước”.

Theo ông Đạt, bình thường mỗi xe chở thơm từ Tiền Giang về TP.HCM mất khoảng 400.000 đồng tiền dầu, đợt giá dầu giảm vừa rồi tiết kiệm được 100.000 đồng nhưng vẫn chưa thể giảm giá cước.

Tương tự, nhà xe Phan Quốc Hiệp, chạy tuyến Ninh Hòa (Khánh Hòa) vận chuyển bí đỏ về chợ đầu mối Thủ Đức cho hay giá cước vận chuyển hiện vào khoảng 2 triệu đồng/chuyến hàng, vẫn chưa thể giảm do các chi phí khác không giảm.

Tại khu chợ giữa, nhà xe Vạn Lợi (Vĩnh Long) cũng đang cho bốc dỡ hơn 10 tấn tỏi đưa xuống các sạp. Tài xế tên Tài cho hay hiện nhà xe vẫn chưa điều chỉnh giá cước.

Theo đó, giá cước vận chuyển các mặt hàng này sẽ tính theo khối lượng khoảng 200.000 đồng/tấn hàng, với xe 14 tấn giá vận chuyển khoảng 2,8 triệu đồng.

Theo tài xế này, chỉ riêng tiền dầu từ Vĩnh Long về chợ Hóc Môn khoảng 1 triệu đồng, chi phí ăn uống, chi phí cầu đường và các khoản phí phát sinh không cụ thể cũng ngốn thêm một khoản rất lớn. “Có giảm cũng chỉ khoảng 10.000-20.000 đồng/tấn hàng chứ nhiêu đâu” - một chủ xe nói.

Trong khi đó, các sạp chợ đầu mối khẳng định giá hàng hóa vẫn ổn định, tăng giảm chủ yếu do phụ thuộc vào sức mua.

Chủ sạp tên Tâm tại chợ đầu mối Thủ Đức, bán các loại củ cải, cà rốt, khoai tây, cho hay một chuyến hàng từ Đà Lạt về chợ hiện giá “cứng” là 700.000 đồng/tấn, tương tự như trước đây, khi giá xăng dầu còn cao.

Hiện giá củ cải ở mức 5.500-7.000 đồng/kg, cà rốt hay khoai tây Trung Quốc đủ loại giá, từ 6.000-12.000 đồng hoặc 16.000 đồng/kg.

Trả lời về chuyện giá hàng hóa vẫn đứng im sau khi giá xăng giảm, ông Tâm nói: “Bây giờ nhà xe người ta bỏ hàng cho cả chợ, có một mình mình thắc mắc đâu thay đổi được gì, không ưng họ nghỉ giao hàng, mệt nữa”.

Hàng hóa và dịch vụ neo giá cao

Theo chân một tiểu thương nhập hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức về chợ dân sinh Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) cho thấy hàng hóa vẫn bán như ngày thường. Cà rốt, củ cải nhập tại chợ sỉ chỉ từ 55.000-77.000 đồng/bịch 10kg, nhưng khi về đến chợ lẻ đã vượt trên mức 10.000 đồng/kg.

Tại nhiều chợ nội thành khác, ghi nhận cũng cho thấy giá hàng hóa vẫn giữ nguyên như cũ. Cà chua tại chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) giữ 10.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 35.000 đồng/kg, xà lách Đà Lạt 30.000 đồng/kg...

Tương tự, các mặt hàng thịt cũng không giảm. Thịt heo vẫn giữ giá 85.000-100.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp 45.000 đồng/kg, gà tam hoàng 60.000-62.000 đồng/kg...

Lý giải việc giá hàng hóa không giảm, hầu hết tiểu thương đều khẳng định hiện nay sức mua rất kém, buôn bán đều ở mức giá rất thấp, việc tăng giảm cũng là bù qua sớt lại chứ thật sự lời không còn như trước đây.

“Bây giờ buôn bán mặt hàng tươi rất hên xui, bữa được bữa thua nên giá cả cũng rất vô chừng, không thể điều chỉnh theo giá vận chuyển hay giá nhập mối như trước được” - một tiểu thương chợ Bà Hoa nói.

Tương tự, các nhà hàng, quán ăn sử dụng thực phẩm như thịt, rau tươi sống cũng chưa có dấu hiệu giảm giá. Tại nhà hàng Món Huế (đường Nguyễn Văn Trỗi), thực đơn vẫn được áp dụng không đổi với bún bò 60.000-65.000 đồng/tô, bún thịt nướng, mì quảng từ 46.000-50.000 đồng/món.

Khu vực có nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, chủ quán Lẩu Nướng cho biết giá cả vẫn như trước chứ không thay đổi gì.

“Thực phẩm sử dụng chế biến đủ thứ hết, không riêng gì thịt, cá, rau, củ. Mỗi thứ chúng tôi tính toán lời lỗ bù qua sớt lại chứ không thể giảm giá như giá xăng dầu được” - chủ quán này nói.

Dù giá xăng dầu liên tục giảm mạnh nhưng giá hàng hóa, dịch vụ vẫn không giảm, thậm chí còn tăng - Ảnh: Hữu Khá

Vật liệu xây dựng dè dặt giảm giá

Ông Chu Đức Khải, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết việc các doanh nghiệp sản xuất thép có giảm giá bán hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xăng dầu “có giảm giá bền vững, hay giảm xong lại lên?”.

Nếu giá xăng thoắt giảm, xong lại thoắt lên “thì khó trông mong doanh nghiệp sản xuất giảm giá ngay được vì phần lớn nguyên liệu để sản xuất phôi thép hiện nay đều phải nhập khẩu từ thép phế. Mà nguyên liệu này thì giá không giảm, do phụ thuộc nhập khẩu” - ông Khải nói.

Theo ông Trần Tuấn Dương - tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, “nếu có giảm giá bán thép thì mức giảm cũng rất ít, chỉ khoảng 0,5-1% so với mức giá bình quân 13,2 triệu đồng/tấn như hiện tại, vì giá xăng dầu chiếm tỉ trọng rất thấp trong chi phí sản xuất thép, chủ yếu nằm ở khâu vận tải”.

Tuy nhiên, kể từ khi chính sách siết trọng tải được thực thi, phần lớn các công ty vận tải đều đã điều chỉnh cước phí vận chuyển ở mức phù hợp, “nên cũng khó mong các công ty vận tải giảm giá thêm”, ông Dương nói.

Ông Dương cho rằng nếu chấp thuận phương án giảm giá, các doanh nghiệp trong ngành thép cũng chỉ điều chỉnh từ đầu năm 2015, “nhưng sẽ có rất ít doanh nghiệp chịu giảm giá vì mức giá hiện tại đã rất sát với chi phí sản xuất của doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm - cho biết hiện đang chờ các thông báo điều chỉnh cước phí vận tải từ các công ty vận chuyển. Dù không trực tiếp dùng xăng dầu trong khâu sản xuất, nhưng ông Hùng cho rằng mỗi tháng sẽ tiết kiệm 500-600 triệu đồng từ chi phí vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay.

“Chúng tôi đang có rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi cho người tiêu dùng, chứ không phải chờ đến lúc xăng dầu giảm giá chúng tôi mới giảm” - ông Hùng thông tin thêm.



Ông TRẦN VĂN HIẾU (thứ trưởng Bộ Tài chính):

Xử lý nghiêm doanh nghiệp chậm giảm giá cước


Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ôtô. Trong đó, đề nghị Bộ GTVT, UBND các địa phương chỉ đạo sở GTVT phối hợp với sở tài chính, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước tại địa phương.


Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước, cơ quan chức năng phải có văn bản yêu cầu phải tính toán lại giá thành vận tải, kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.


Đặc biệt, cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm nếu cố tình trục lợi, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.


Theo đó, các doanh nghiệp vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu sẽ bị xử phạt từ 5-30 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.


Ngoài ra, Nhà nước sẽ tịch thu số tiền mà doanh nghiệp có được do không giảm giá cước vận tải vào ngân sách nhà nước.


Với đợt giảm giá xăng dầu đầu tuần này, các đơn vị đã kê khai giảm giá cước phải tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải để kê khai lại theo đúng quy định.


L.THANH



>>> Sữa, xăng, điện: Đằng sau bình yên của 'vùng nhạy cảm'


Theo Dũng Tuấn - Trần Vũ nghi

thamht

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên