Da giày Việt Nam có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0%
Tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0% và mở rộng thị trường mạnh mẽ hơn nữa.
Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu da giày Việt Nam đã đạt 4,85 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty thương mại Phong Châu đã xuất khẩu giày dép từ năm 1994, với thị trường chính là các nước đang đàm phán TPP như Mexico, Chile và Canada. Công ty chủ yếu xuất khẩu giày vải và đã chủ động sử dụng nguyên liệu vải và cao su sản xuất tại Việt Nam. Theo họ, để tận dụng được cơ hội kinh doanh từ Hiệp định TPP, cần phải quan tâm nhất tới vấn đề chất lượng, kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Phong Châu cho biết: “Khi mở ra cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, tức là thay vì hình thức gia công nhiều, chúng ta sẽ đi nhiều vào việc trở thành người bán hàng trực tiếp, người cung ứng trực tiếp vào các chuỗi bán lẻ trực tiếp của các nước. Việc đó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải lưu ý hơn đến các rào cản kỹ thuật của các nước”.
Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hưởng mức thuế ưu đãi của TPP, bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, da giày Việt Nam còn phải đáp ứng được Quy tắc xuất xứ. Theo đó, ít nhất 50% trị giá xuất xưởng của sản phẩm phải được tạo ra từ các nước TPP. Đây là một thách thức chung, vì thực tế cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu da giày ở Việt Nam còn khá thấp.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Trung tâm nguyên phụ liệu Da giày Liên Anh, TPHCM đánh giá: “Da giày của Việt Nam đa số là gia công, các đơn vị gia công không chủ động được khâu thu mua nguyên phụ liệu mà thường phải qua các đối tác giao gia công, những đối tác này lại được chỉ định sử dụng nguồn nguyên phụ liệu của một nơi sản xuất nào đó, ở Trung Quốc hoặc là ở một nước nào đó”.
Phát triển công nghiệp phụ trợ được cho là giải pháp hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ nội địa hóa của giày dép Việt Nam, đồng thời góp phần giải quyết bài toán gia công đơn thuần. Cụ thể, Bộ Công Thương đã đưa ra đề án xây dựng hai trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu da giày ở miền Bắc và miền Nam đến năm 2020. Bên cạnh đó, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách còn đang đẩy mạnh một số giải pháp khác.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hướng tới việc phát triển xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh ngành da giày, đưa các sản phẩm của chúng ta - với những yêu cầu, điều kiện mà chúng ta đáp ứng được ra thị trường của 11 nước TPP. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ thiết kế. Đây là những đội ngũ phải đạt được trình độ tự thiết kế mẫu và tự chào hàng”.
Việt Nam được đánh giá là nước có thế mạnh nhất về sản xuất da giày trong các nước tham gia đàm phán TPP, tại hai thị trường trọng điểm thuộc khối TPP là Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhập khẩu giày dép Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 2. Hiện nay, ngành da giày đang gấp rút chuẩn bị để tận dụng triệt để cơ hội mở rộng thị trường khi Hiệp định TPP được ký kết.
Xuất khẩu da giày bứt phá
Theo PV