Đau đầu với hàng dỏm và thương lái Trung Quốc
Năm 2013, hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam với con số kỷ lục, đồng thời thương nhân Trung Quốc cũng liên tục hoành hành khiến nhiều người phải lo ngại.
Nhập siêu kỷ lục
Theo Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỉ USD trong khi nhập khẩu từ quốc gia này lên tới 36,8 tỉ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 7,8 tỉ USD). Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỉ USD. Hàng Trung Quốc nhập khẩu rất đa dạng, từ thượng vàng đến hạ cám, “phủ sóng” hầu khắp các chợ đến siêu thị, trung tâm thương mại. Một số mặt hàng gần như chiếm lĩnh thị trường như rau, củ, quả, hàng nông sản,... với khối lượng nhập khẩu hàng trăm đến hàng ngàn tấn mỗi ngày.
Mới đây, Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết năm 2013, tổng dung lượng thị trường nội địa ước chừng 130-140 triệu đôi/năm, tương đương 1,5 tỉ USD thì đã có tới 45% sản lượng tiêu thụ được nhập từ Trung Quốc chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.
Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm và không ngừng gia tăng nhưng vẫn chưa có hướng khắc phục. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy năm 2001 nhập siêu từ Trung Quốc chỉ có 210 triệu USD thì năm 2013 đã lên tới 23,7 tỉ USD, tức đã tăng hơn 110 lần sau 12 năm. Phát biểu trong một hội thảo diễn ra vào đầu tháng 1, TS Phạm Chi Lan cho rằng việc hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt một phần là do các doanh nghiệp trong nước quá thụ động. Các doanh nghiệp Việt đã bị ám ảnh quá nên lúc nào cũng tìm cách để cạnh tranh với Trung Quốc thay vì học tập từ họ. Theo bà Lan, muốn cạnh tranh với Trung Quốc ngay trên thị trường Việt Nam không phải đi soi xem họ xấu gì, tránh gì mà phải tìm các ngách thị trường để đánh trúng thị hiếu và đối tượng khách hàng.
Hoành hành khắp các tỉnh
Cũng trong năm 2013, không ít lần báo chí trong nước lên tiếng việc thương nhân Trung Quốc thao túng vùng nguyên liệu, nông sản Việt Nam. Câu chuyện thương lái Trung Quốc đi thu gom đĩa, móng trâu, dừa non, rễ cây hồ tiêu... ở những năm trước đến nay đã không còn lạ lẫm hay hiện tượng mà đã trở lên phổ biến và lan rộng ra rất nhiều lĩnh vực.
Vụ việc thương lái Trung Quốc thu mua tôm nguyên liệu ở khắp các miền trong cả nước vào giữa năm 2013 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành tôm xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 tuần từ 26-8 đến 11-9, Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có đến 3 lần gửi công văn lên các bộ ngành liên quan đề nghị có biện pháp hữu hiệu kịp thời ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm cùng doanh nghiệp. Các công văn này dẫn thông tin cho biết mỗi ngày thương lái Trung Quốc thu gom đến 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tỉnh làm nguồn cung trong nước thiếu hụt, giá cả tăng cao. Thậm chí họ còn thực hiện bơm tạp chất có mục đích gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tôm Việt Nam.
Một sự việc đình đám không kém xảy ra khoảng tháng 9 - 10 năm 2013 khi các đầu nậu người Trung Quốc thông qua nhiều chủ vựa ở một số địa phương ĐBSCL Cần Thơ, Hậu Giang, Long An... đi thu gom ốc bươu vàng trong dân với giá mua từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao thời điểm lên 18.000 - 19.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần bình thường. Lý do thương lái Trung Quốc mua ốc bươu vàng được người dân truyền tai nhau là để xuất khẩu ra nước ngoài. Làn sóng săn bắt ốc bươu vàng ở ĐBSCL xuất hiện, nhiều người thậm chí còn thả nuôi ở các ao hồ, đồng, ruộng và các kênh rạch để bán kiếm lời. Một số hộ nuôi vịt thả đồng còn không cho vịt ăn ốc bươu vàng trên ruộng mà để dành bán. Nhiều người đã cảnh báo việc này có thể gây thiệt hại lớn cho các chủ vựa khi thương lái đột ngột ngừng mua ốc bươu như đã từng xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc trước đây. Nguy hiểm hơn khi ốc bươu vàng sinh sôi vượt tầm kiểm soát sẽ gây hại rất lớn đến nông nghiệp.
Tiếp sau làn sóng thu mua ốc bươu vàng, thương lái Trung Quốc tiếp tục ồ ạt mua vịt đẻ và săn lùn thịt lợn mỡ ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ với giá cao ngất ngưỡng vào những ngày cuối năm. Đến nay, những vụ việc này chưa gây thiệt hại đáng kể cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần tạo sự phân khởi cho người chăn nuôi trong bối cảnh giá cả trong nước khá thấp.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng này để người dân cảnh giác, tránh chạy theo nhu cầu nhất thời của thương lái Trung Quốc để rồi phải gánh thiệt hại lớn về sau.
Theo Viết Vinh