MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu thầu thuốc bệnh viện: Một cổ, nhiều tròng

20-08-2013 - 10:59 AM |

Riêng về giá thuốc đấu thầu đã chịu 2 tròng, vừa theo giá tổng lô thầu vừa theo giá từng mặt hàng.

Trước những bất cập trong đấu thầu thuốc ở bệnh viện (BV), ngày 19-8, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đấu thầu thuốc để hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Hội thảo với sự chủ trì của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tham dự của đại diện nhiều BV, công ty dược cũng như các nhà quản lý.

Phải lọt hàng rào kỹ thuật

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận, thuốc là một mặt hàng đặc thù và lần đầu tiên dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành hẳn một chương để quy định về việc đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tiễn đấu thầu thuốc vào BV còn nhiều lỗ hổng và vừa qua tiêu cực trong đấu thầu thuốc ở Gia Lai là một ví dụ. Do đó, ông Tăng đề nghị trong lần sửa đổi này sẽ tập trung quản lý điều chỉnh 3 nguồn kinh phí chính để mua thuốc là mua thuốc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế và các nguồn thu nhập hợp pháp khác. 

Ông Tăng nói "Tại sao phải nhập những thuốc của Pakistan, Ấn Độ khi những loại thuốc này trong nước sản xuất tốt? Đề nghị Bộ Y tế sắp tới nghiên cứu thuốc nào không cho nhập thì đăng lên báo luôn. Thậm chí thuốc tốt, đủ tiêu chuẩn nhưng Việt Nam có rồi thì không cho nhập nữa. Nếu liên doanh cũng chỉ cho đấu thầu quốc tế chứ không cho đấu thầu trong nước"

Theo Điều 48 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), hình thức mà các cơ sở y tế áp dụng mua thuốc gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện và đàm phán giá. Mỗi hình thức có những quy định cụ thể. Nhưng dù áp dụng hình thức nào, theo ông Tăng, cái mới của quy định đấu thầu thuốc là yêu cầu phải có 2 túi hồ sơ dự thầu. 

Hội đồng thầu sẽ bóc túi hồ sơ kỹ thuật trước và nếu thuốc đạt tiêu chuẩn mới cho vào vòng sau tiếp tục bóc túi hồ sơ tài chính. Khi đó, đơn vị nào giá thấp hơn thì chọn. Như vậy sẽ đảm bảo thuốc vừa có chất lượng và giá cả hợp lý. Còn hiện nay, việc hồ sơ dự thầu thuốc đều trộn chung vào lẫn nhau để chấm điểm thì rất khó đánh giá. 

“Như vậy, với dự thảo của Luật Đấu thầu (sửa đổi), thuốc muốn trúng thầu phải vượt qua hàng rào kỹ thuật trước nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị chứ không phải cứ giá rẻ nhất là chọn như Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế như hiện nay là quá bất cập”, dược sĩ Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Mekophar, nhận xét.

Ma trận giá

Trong khi đó, một trong những vấn đề “nhạy cảm” dễ phát sinh tiêu cực mà quy định đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chưa nói rõ là giá kế hoạch mời thầu. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), hiện đấu thầu thuốc vào BV thường có hai loại giá là giá gói thầu và giá mặt hàng thuốc.

Ông Ngọc Anh phân vân: “Giá mời thầu là giá một mặt hàng thuốc là một gói thầu hay giá của toàn gói thầu gồm hàng trăm mặt hàng thuốc thì chưa nói rõ”. Thông thường, khi đưa ra giá mời thầu, các BV lập kế hoạch giá đấu thầu và trình cơ quan cấp trên phê duyệt. để cho “an toàn”, các BV thường đưa ra giá kế hoạch đấu thầu cao hoặc bằng giá Cục Quản lý dược đưa ra, còn đưa giá thấp thì thường là giá ảo. Vậy nên, theo ông Lê Văn Tăng, riêng về giá thuốc đấu thầu đã chịu 2 tròng, vừa theo giá tổng lô thầu vừa theo giá từng mặt hàng. 

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận có quá nhiều giá khi lên kế hoạch đấu thầu, trong khi không có tiêu chí về giá kế hoạch. Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, nên lấy giá kê khai và kê khai lại làm giá kế hoạch. Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho biết quy định theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, thuốc trúng thầu là có giá đánh giá thấp nhất trong các hồ sơ thầu, và giá trúng thầu từng mặt hàng thuốc không cao hơn giá kế hoạch mời thầu.

“Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch giá thầu và khi trúng thầu thì 80% - 90% trúng thầu đúng theo giá kế hoạch. Khoảng 20% còn lại có thể cho đấu thầu lại hoặc áp thầu theo giá 6 tháng gần nhất” - ông Cường phân tích. Ông Cường đề nghị không nên xét giá gói thầu mà xét giá theo từng mặt hàng thuốc. Dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, nhiều khi đợi có giá kế hoạch mà Cục Quản lý dược ban hành thì đã lạc hậu về giá và không biết thế nào mà điều chỉnh!

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị xem lại giá mời thầu, dự thầu, giá kế hoạch đưa ra có kịp thời; giá kế hoạch lạc hậu thì điều chỉnh ra sao? Cần cân nhắc kỹ điều kiện xét trúng thầu và ưu tiên thuốc sản xuất trong nước.

Hiệu quả điều trị lên hàng đầu

Bàn về việc đấu thầu thuốc tập trung, ông Lê Văn Tăng cho biết các nước đã tiến hành đấu thầu mua thuốc tập trung thậm chí quy mô quốc gia. Khi đó các BV không lo đấu thầu, không phải lằng nhằng. Theo ông Tăng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định đấu thầu tập trung được thực hiện ở 3 cấp: cấp trung ương, cấp khu vực và cấp địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc phải tổ chức đấu thầu tập trung. Và các địa phương hay khu vực thành lập đại lý đấu thầu như là một trung tâm mua sắm tập trung.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, theo dự thảo Luật Dược (sửa đổi) thì ở cấp trung ương, Bộ Y tế tổ chức mua sắm thuốc tập trung cho loại thuốc theo danh mục Bộ Y tế ban hành. Còn ở địa phương, sở y tế tổ chức và giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc sở thực hiện. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, dự thảo quy định trung tâm mua sắm công hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là không ổn, bởi vì trung tâm mua sắm công trực thuộc sở y tế không phải doanh nghiệp mà chỉ là đơn vị sự nghiệp. Do đó, nếu quy định không chặt chẽ, trung tâm mua sắm công rất dễ “độc quyền” và đặc lợi. 

Ông Nguyễn Duy Thuận, chuyên viên Khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, băn khoăn khi đấu thầu thuốc tập trung sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như phương pháp chấm điểm thiếu công bằng, quy mô cung ứng thuốc quá lớn mà các doanh nghiệp dược nếu có trúng thầu cũng khó cung ứng kịp thời, nếu không nói là doanh nghiệp có thể “bỏ cuộc” giữa chừng thì nguy cơ thiếu thuốc cao.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đắn đo trong quá trình điều trị thuốc có thể gây tai biến và có thể buộc ngừng sử dụng. Khi đó lấy thuốc nào bù vào nếu như chỉ một doanh nghiệp trúng thầu và cung cấp. 

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, đấu thầu thuốc tập trung là phương án tốt nhất để khắc phục những khuyết điểm hiện nay. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hiệu quả điều trị đặt lên hàng đầu với chi phí phù hợp.

Bệnh viện tư nhân cũng phải đấu thầu?

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, thắc mắc về quy định đấu thầu thuốc vô BV theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chưa đề cập đến BV tư nhân. Trong khi nhiều BV tư nhân cũng có khám bảo hiểm y tế. Về vấn đề này, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết bệnh viện tư có khám bảo hiểm y tế cũng phải đấu thầu theo quy định bởi bảo hiểm xã hội thanh toán tiền mua thuốc là ngân sách của nhà nước.

Theo Tường Lâm

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên