MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồ chơi độc hại ùa vào Hà Nội

29-08-2014 - 17:06 PM |

Trong tháng 8/2014, hàng chục ngàn sản phẩm đồ chơi trẻ em độc hại đã bị đội Chống hàng giả (đội 8) và lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ.

Từ đó cho thấy, thị trường đồ chơi trẻ em dịp Tết Trung thu đang ẩn họa nhiều nguy cơ mất an toàn.

Hàng độc hại liên tục bị bắt

Trung tá Vũ Công Chí, Phó đội 8 (PC46 – Công an Hà Nội), cho biết: Trong đợt cao điểm thực hiện kế hoạch 194 ngày 15/7/2014 về đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố, đội Chống hàng giả đã phát hiện 4 vụ vi phạm hành vi gian lận thương mại liên quan đến đồ chơi trẻ em phục vụ dịp Tết Trung thu, số lượng trên 20 ngàn sản phẩm.

Cụ thể, ngày 14/8, đội 8 – phòng PC46 đã phối hợp với Công an phường Đồng Xuân tiến hành khám xét nơi cấu giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho chứa đồ chơi trẻ em (địa chỉ số 41, phố Cầu Đông, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại thời điểm khám xét, Đội đã phát hiện, tạm giữ 39 thùng các-tông chứa 5.548 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại như búp bê, ô tô, máy bay, con giống các loại… trị giá gần 50 triệu đồng do Trung Quốc sản xuất. Số hàng trên không có hóa đơn chứng từ, không có tem hợp quy. Qua quá trình làm việc, chủ kho hàng Nguyễn Đức Lộc đã thừa nhận việc kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật.

Ngày 6/8, Đội đã thu giữ 30 thùng các-tông đồ chơi trẻ em, là tang vật vi phạm hành chính do bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trú quán tại số 9, ngách 24/94 Ngọc Lâm, Q.Long Biên (Hà Nội). Ngày 22/8, Đội tiếp tục lập biên bản thu giữ 40 thùng các-tông đồ chơi trẻ em, trên niêm phong có chữ ký của chủ hàng là ông Trương Minh Nguyệt, trú tại số 3, tổ 32 P.Ngọc Hà, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội. Số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Theo ghi nhận của lãnh đạo đội Chống hàng giả - PC46, số lượng đồ chơi trẻ em nhập lậu trung chuyển qua địa bàn Thủ đô tương đối lớn. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi.

Khi vận chuyển hàng từ biên giới về, chúng sẽ tập kết tại các địa bàn gần khu vực Hà Nội, sau đó xé lẻ ra và thuê xe ba gác, xe máy và ô tô tải chuyển về thủ đô. Vì thế, rất khó để phát hiện các sản phẩm nhập lậu, hàng giả với số lượng lớn.

Đầu mối bán buôn đồ chơi nhập lậu lớn nhất là chợ Đồng Xuân. Nếu khu vực chợ Đồng Xuân được kiểm soát chặt, hàng lậu lại tản mát qua các kho, bến bãi và nhà dân. Muốn khám xét nhà dân thì phải được sự phê chuẩn của Chủ tịch UBND quận, huyện… Do đó việc xử lý gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cũng khó khăn. Phòng cảnh sát kinh tế chỉ được phạt tiền tối đa 20 triệu đồng. Giám đốc Công an thành phố được quyền xử phạt tối đa 50 triệu đồng. Còn trên 50 triệu đồng sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của thành phố Hà Nội. Do lực lượng mỏng, địa bàn hoạt động rộng, lại phải thực thi nhiều nhiệm vụ khác nhau, do đó không thể kiểm soát hết được hàng hóa trên thị trường.

Theo trung tá Vũ Công Chí, các loại đồ chơi bạo lực, đồ chơi giáo dục thiên hướng lệch lạc cho trẻ em ít được phát hiện. Tuy nhiên, các loại đồ chơi ghép hình, các con giống, bộ nấu ăn, câu cá… làm bằng nhựa thứ cấp, có thể vẫn còn dư lượng chì vượt mức cho phép, lại xuất hiện khá nhiều. Khi trẻ em ngậm các loại đồ chơi này vào miệng nghịch, sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhan nhản hàng giả

Khảo sát tại các phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Chả Cá (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), PV NNVN đã tận thấy hàng loạt hành vi gian lận thương mại của các hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em dịp Trung thu.

Tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, nhiều sản phẩm như bộ Helokitty, câu cá; rô bốt, các con vật: khỉ, mèo, chuột Mickey vặn cót, chim cót gõ trống, mô hình siêu nhân, xúc xắc thú, quạt rút quay… nhãn hàng chỉ có dòng chữ “Made in China”, chằng chịt chữ Trung Quốc, không hề có thông tin về đơn vị nhập khẩu.

Tại sạp hàng bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can, Chả Cá… đồ chơi trẻ em các loại được xếp chồng chất trong kho và tràn dưới vỉa hè.

Chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Chả Cá (Q.Hoàn Kiếm) thấy có khách ghé thăm vồn vã chào mời: “Mua đồ chơi cho các cháu đi em. Ở đây loại nào cũng có. Đảm bảo hàng tốt, mấy đứa trẻ nhìn thấy sướng quên sầu”.

Thế nhưng, trên sạp hàng có rất nhiều đồ chơi xếp hình LEGO dành cho trẻ em nhãn hàng như Ninja, Chima… bày bán và không có thông tin về nơi sản xuất, nhà phân phối. Điều đặc biệt, giá của những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ này rất cao.

Ví dụ, một bộ xếp hình LEGO đóng trong hộp giấy khổ 35x20x10 từ 230.000 - 250.000 đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, LEGO là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực đồ chơi thông minh, hiện các sản phẩm mang thương hiệu LEGO đã có mặt tại thị trường Việt Nam tuy nhiên chỉ được phân phối độc quyền bởi công ty TNHH Việt Tinh Anh thông qua các kênh là đại lý bán buôn, các cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn.

Trong quá trình điều tra, PV đã không ít lần bị chủ các cửa hàng “đuổi khéo” khi dò hỏi thông tin về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm đồ chơi không dán tem hợp quy.

Chặn đứng hàng chục ngàn đồ chơi dịp Tết Trung thu

Ngày 22/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện, thu giữ 10 bao đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất với 30.000 sản phẩm (tương đương 700 kg) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận hợp chuẩn (CR). 

Số đồ chơi được xe ôtô mang biển kiểm soát 29L-9043 do lái xe Bùi Văn Tâm (sinh năm 1989, địa chỉ Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình) điều khiển. Trước đó, ngày 21/8, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 14M-3212 đang dừng đỗ tại đường Pháp Vân (quận Hoàng Mai), phát hiện 8.012 sản phẩm đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất. 

Lái xe Phạm Văn Khôi (Đông Hà, Quảng Ninh) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, hàng hóa không có tem hợp chuẩn (CR).


Theo Minh Phúc

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên