Đồ chơi kinh dị vẫn có đất sống
Trong khi đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước đang chật vật giành lại thị trường thì các loại đồ chơi bạo lực, kinh dị vẫn được ồ ạt nhập về cạnh tranh với hàng nội địa
Các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Hà Nội) đang vào mùa kinh doanh nhộn nhịp. Điểm nổi bật năm nay là số lượng đồ chơi truyền thống trong nước nhiều hơn cả về số lượng lẫn mẫu mã.
Ưu tiên đồ chơi nội
Chị Lê Hoài Anh, chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã, cho biết mùa trung thu năm nay, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng Việt với các chất liệu đơn giản như gỗ, giấy, giấy bóng kính… nên hàng Trung Quốc nhập về rất hạn chế. Giá cả tương đương hoặc thấp hơn hàng Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến đồ chơi Việt Nam đang được tiêu thụ ở mức khá sau nhiều năm bị hàng ngoại lấn lướt.
Nhìn chung, giá cả các mặt hàng đồ chơi trung thu năm nay (nội lẫn ngoại) đều cao hơn năm trước khoảng 15%-30%. Tuy nhiên, chị Hoài Anh đánh giá sức mua vẫn tương đương năm ngoái, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Riêng các mặt hàng đồ chơi truyền thống như: trống cơm, lồng đèn, đèn ông sao, đầu lân… tiêu thụ tăng đột biến so với năm trước. Cụ thể: đèn ông sao dao động từ 15.000 - 120.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, đầu lân 50.000-200.000 đồng/chiếc, trống cơm giá 50.000 đồng/chiếc trở lên, lồng đèn được các cơ sở sản xuất thủ công làm bằng giấy bóng kính có giá chỉ 25.000-60.000 đồng/chiếc.
Chị Nguyễn Thị Thủy (khách hàng trên phố Hàng Mã) cho biết chị không yên tâm khi mua đồ chơi Trung Quốc hoặc đồ chơi không rõ nguồn gốc cho con bởi thường nặng tính bạo lực, chưa kể khả năng có chứa độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
“Năm nay, tôi chọn mua toàn đồ chơi truyền thống của Việt Nam với chất liệu thủ công, thân thiện môi trường lại có tính giáo dục. Giá cả hàng Việt Nam cũng hợp túi tiền, nhiều loại còn rẻ hơn hàng Trung Quốc” - chị Thủy so sánh.
Đồ kinh dị vẫn có đất sống
Tuy vậy, đồ chơi Trung Quốc vẫn còn đất sống tại thị trường Việt Nam nhờ có nhiều ưu điểm về chủng loại, mẫu mã. Các loại đồ chơi bạo lực dù bị dư luận lên tiếng nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Đáng chú ý, các loại mặt nạ có hình ảnh kinh dị như đầu lâu, ma quái… được bày bán khá nhiều ngay sát Tết Trung thu khiến nhiều người bức xúc. Giá các loại mặt nạ này thường dao động ở mức 30.000-50.000 đồng/chiếc.
Chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết những sản phẩm này được làm bằng nhựa tái chế và do các cơ sở tư nhân ở tỉnh lân cận sản xuất. Tuy nhiên, theo một tiểu thương chuyên kinh doanh đồ nhựa ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), không có chuyện các loại mặt nạ này được sản xuất trong nước mà chủ yếu nhập từ biên giới về.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng người dân còn ít quan tâm đến chất lượng khi mua đồ chơi trẻ em nên thường mua đồ rẻ tiền, bắt mắt nhưng mau hỏng. “Đồ chơi trẻ em đưa ra thị trường đều phải tuân thủ quy chuẩn về chất lượng, nếu không tuân thủ thì coi như vi phạm. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc quản lý đồ chơi sản xuất trong nước hay nhập ngoại đều phải dựa trên những quy chuẩn đó” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồ chơi độc hại ùa vào Hà Nội
Theo Dương Thùy