Giá sữa tăng “chui”
Chỉ có vài hãng sữa được tăng giá bán nhưng nhiều điểm bán đều cho rằng hãng sữa nào cũng tăng giá với mức 10%.
Giá tăng: Huề cả làng
Trong khi cơ quan chức năng chỉ cho phép một số doanh nghiệp (DN) sữa như Vinamilk, NutiFood, Mead Johnson được tăng 7%-10% thì thị trường giá các loại đều đã tăng. Có một điều rất lạ là có những DN gửi thông báo tăng giá bằng văn bản nhưng cũng có những DN chỉ gửi thông báo miệng đến các cửa hàng. Như vậy có bao nhiêu DN được tăng thì NTD hoàn toàn không biết được.
Bất ngờ về giá sữa tăng, chị Lê T.H.Oanh (Tân Phú) cho hay hôm trước tết mua cho mẹ sữa Anlene chỉ 270.000-278.000 đồng/hộp 800 g nhưng mới mua đây thì thấy lên đến 309.000-310.000 đồng/hộp. Anh Nguyễn Đ.Anh cũng ngỡ ngàng khi mua sữa Lactogen Gold số 2 từ 285.000 đồng nay lên 310.000 đồng/hộp. Cũng theo anh Đ.Anh, sữa Lactogen Gold số 3, số 4 cũng tăng từ 280.000 đồng lên 300.000 đồng/hộp…
Một số hệ thống bán lẻ, cửa hàng đại lý cho biết đã nhận được thông báo tăng giá sữa nước công ty với mức tăng chỉ 5%, áp dụng vào ngày 18-2.
Cần minh bạch thông tin
Trong lần trả lời truyền thông gần đây Cục Quản lý Giá cho biết từ tháng 12-2013 đến nay đã có 2/6 công ty xin tăng giá từ 5% đến 10%, trong đó có một công ty đề nghị tăng giá từ 5% đến 9% cho 11/27 mặt hàng nhưng do giải trình chưa rõ về nguyên nhân tăng nên Bộ chưa đồng ý. Chính lãnh đạo của Bộ còn cho rằng các DN sữa ngoại xin tăng giá vì lỗ thì chưa chắc hợp lý. Bộ Tài chính đã đề nghị cơ quan hải quan vào cuộc làm rõ thì kết quả cho thấy cơ bản không có sự chênh lệch nào giữa giá của công ty mẹ và DN. Có một số trường hợp có chênh lệch nhưng rất nhỏ, do chi phí cước vận chuyển và một số chi phí khác.
Mặc dù có những công cụ để quản lý giá như Thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực hồi tháng 11. Thế nhưng một số chuyên gia cho biết thông tư chỉ yêu cầu DN kê khai đăng ký giá chứ không hiệu quả trong quản lý giá, kiểm soát giá.
Theo ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Việt Nam là đất nước có hơn 90 triệu dân, là một thị trường hết sức hấp dẫn cho hơn 200 nhà nhập khẩu sữa ngoại tìm kiếm lợi nhuận. Với số lượng lớn các công ty sữa ngoại hiện diện tại Việt Nam, song giá lại không hề rẻ. Đáng lẽ nhờ vào cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng thì NTD được lợi ích nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, việc được thông tin chính xác, đầy đủ về giá hàng hóa là một trong những quyền của NTD theo Luật Giá. Tuy nhiên, trong trường hợp giá sữa, quyền này của NTD đã không được tôn trọng. Vấn đề ở chỗ trường hợp nào tăng, tăng bao nhiêu là hợp lý, trường hợp nào tăng bất hợp lý dưới mọi hình thức cần phải minh bạch. Theo đó chỉ ra và thông tin chính xác, đầy đủ để NTD thực hiện quyền lựa chọn, đồng nghĩa với việc tẩy chay những nhãn sữa dùng “lời hay ý đẹp” biện minh cho việc tăng giá bất hợp lý.
Để hạn chế tình trạng giá sữa mặc nhiên tăng, ông Thắng chia sẻ thêm Việt Nam phải chủ động được nguồn hàng sữa thay thế, như sữa sản xuất trong nước phải dồi dào. Các DN thương mại quốc doanh phải vào cuộc tham gia nhập khẩu sữa để phá thế độc quyền.
Khó biết được thông tin vì DN đăng ký nhiều nơi Theo Nghị định 177 việc đăng ký kê khai giá sữa được phân cho cục và các địa phương gồm UBND các tỉnh, các sở Tài chính. Theo đó, các công ty 3A phân phối sữa Abbott, Mead Johnson, Nestlé Việt Nam, Friseland Campina Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Organic Việt Nam, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến phân phối sữa Enfa, SC Johnson… đăng ký kê khai tăng giá với Bộ. Các công ty còn lại khi tăng giá phải đăng ký với Sở Tài chính các địa phương. Do đó, Vinamilk kê khai đăng ký giá với Sở Tài chính TP.HCM, NutiFood đăng ký với Sở Tài chính tỉnh Bình Dương. |