MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giấc mơ ô tô giá rẻ còn xa

13-10-2015 - 08:50 AM |

Việt Nam cam kết mở rộng cửa thị trường ô tô cho các quốc gia thành viên TPP.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được sự đồng thuận về tỉ lệ sản xuất nội khối để được miễn thuế nhập khẩu đối với ô tô. Người dân kỳ vọng giá xe sẽ giảm và mua được xe Nhật, Mỹ… với giá rẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia và hãng xe phân tích để giá bán ô tô giảm thì cần thêm nhiều yếu tố khác.

Thuế giảm từ 70% xuống 0%

Trong 12 nước tham gia TPP có những cường quốc về ô tô như Mỹ, Nhật và Mexico. Theo thỏa thuận TPP, Việt Nam sẽ cắt giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô có động cơ dung tích từ 3.0 L trở lên về 0% trong vòng 10 năm. Hiện thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước này về Việt Nam đang ở mức 70%.

Mỹ và Nhật hiện nay là hai quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất trong khối TPP. Do đó ô tô hai nước này sẽ rộng đường tiến vào thị trường Việt Nam đầy hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do khác giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á Âu (gồm Nga, Bêlarút...) và Hàn Quốc cũng có cam kết mở rộng cửa thị trường ô tô.

Như vậy, từ năm 2016, thuế nhập khẩu với nhiều mẫu ô tô sẽ giảm dần và xe nhập sẽ rẻ hơn. Ngoài thuế nhập khẩu giảm, các cơ quan chức năng cũng chuẩn bị trình Quốc hội các phương án thuế tiêu thụ đặc biệt cho 10 năm tới. Trong đó sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt các loại ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.0 L. Riêng nhóm xe có dung tích trên 2.0 L tăng thuế.

Xe nhỏ giảm giá

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu các phương án thuế tiêu thụ đặc biệt trên được Quốc hội thông qua, kết hợp với khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm thì giá xe tại Việt Nam sẽ rẻ. Chẳng hạn, tới năm 2018, xe có dung tích xi lanh nhỏ từ 1.5 L trở xuống có mức giá nhập về Việt Nam khoảng 5.000 USD, giá bán khoảng trên 10.000 USD.

Tuy nhiên, ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Ford Việt Nam, nhìn nhận thỏa thuận trong TPP tác động ban đầu lên dòng xe sang nhưng số người Việt mua dòng xe này không nhiều. Ngoài ra, ô tô sử dụng động cơ trên 3.0 L đang bị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại thuế, phí khác cao hơn nhiều so với các xe sử dụng động cơ dung tích nhỏ hơn, đặc biệt là xe dưới 2.0 L.

Như vậy, giảm thuế nhập khẩu từ các nước TPP nhưng nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí khác thì chưa thể khẳng định dòng xe 3.0 L tăng hay giảm giá.

Còn đối với dòng xe có động cơ nhỏ dưới 3.0 L mà nhiều người Việt mua, liệu TPP có giúp giá giảm? Đại diện của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng sự tác động của TPP đến giá xe Nhật, Mỹ tại Việt Nam là không lớn. Nhưng năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN sẽ về 0%. Vì vậy người Việt có thể mua được các dòng xe Nhật động cơ nhỏ với giá rẻ.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu, ô tô còn chịu các loại phí khác như phí đường bộ, trước bạ, đăng kiểm... Nếu các loại phí này tăng thì dù giá xe bán tại Việt Nam rẻ thì tổng số tiền người mua trả vẫn cao.

Đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi

Các hãng xe cho hay theo thỏa thuận trong TPP, ô tô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP. Một chiếc xe được xem là sản xuất nội khối nếu các thành phần chính được làm tại một trong 12 nước TPP. Còn các linh kiện nhỏ vẫn có thể được lấy từ bên ngoài.

Nhìn nhận về nội dung này, ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM, cho rằng TPP sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho Việt Nam trong ngành sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. “Các nhà đầu tư có thể dịch chuyển đầu tư chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng ô tô từ Thái Lan (nước không phải thành viên TPP) sang Việt Nam để được hưởng thuế suất 0%” - ông Tống nói.

Ông Trương Kim Phong cũng cho rằng các hãng xe Nhật, Mỹ có thể đổ tiền đầu tư sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam. “Nhưng họ sẽ xem xét kỹ về trình độ năng lực lao động, các loại thuế phí phải đóng… có lợi thế hơn so với đầu tư tại nước họ hay không. Đồng thời cơ chế chính sách, thủ tục hành chính của Việt Nam phải thay đổi hợp lý hơn, đến lúc đó Việt Nam mới có thể trở thành nơi cung cấp linh kiện ô tô cho thế giới” - ông Phong phân tích.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế nhận định khi xe nhập khẩu rẻ hơn xe trong nước, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp sẽ có xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển công nghiệp ô tô nội địa.

Phải thay đổi nhiều

Để nắm được cơ hội và tạo ra cơ hội lớn từ TPP thì Việt Nam cần phải thay đổi nhiều điều. Cụ thể, hiện nay tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vào khoảng 460.000 xe/năm, phần lớn mới dừng ở lắp ráp giản đơn, trong đó xe con tỉ lệ nội địa hóa vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy cần tạo những cơ chế chính sách thông thoáng, chính sách hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư, để họ thấy được cái lợi so với đầu tư ở Thái Lan, Indonesia…

Ông Đỗ PHƯỚC TỐNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí TP.HCM

Theo Tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 83.000 xe, trị giá gần 2,1 tỉ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô chín tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái tăng 88% về số lượng và tăng 13% về giá trị. Hiện nay Việt Nam nhập ô tô nguyên chiếc chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.

 

 

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên