Giật mình với nước máy không đạt chuẩn
Kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, nước sạch cấp cho người dân Thủ đô có nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn Bộ Y tế quy định.
- 25-04-2014TP.HCM đề xuất lộ trình tăng giá nước
- 05-04-2014Doanh nghiệp xin tăng giá nước
- 17-12-2013Hà Nội: Vỡ đường ống nước, ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân
- 14-12-20133.500 hộ dân Hà Nội mất nước sinh hoạt do vỡ đường ống
Chuyên gia hóa học cho rằng, có những chất có thể được hình thành dù lượng nhỏ cũng độc hại.
Nước chưa đạt+nước đạt chuẩn = bình thường?
Kết quả kiểm định nước định kỳ hằng tháng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn nước vẫn được bán cho người sử dụng.
Cụ thể, kết quả phân tích mẫu nước lấy tại các Nhà máy nước trên địa bàn Hà Nội từ ngày 10-13/3/2014 cho thấy, 7/23 mẫu không đạt quy chuẩn về phương diện hóa học. Trong đó, Nhà máy nước Pháp Vân (Cty nước sạch Hà Nội - Hawaco) có 1 mẫu chỉ số Pecmanganat cao hơn giới hạn cho phép 1,92 lần; Cty Nước sạch Hà Đông có 4 mẫu đều không đạt chuẩn (2 mẫu lấy tại nhà máy có 1 mẫu tỷ lệ Clo dư vượt tiêu chuẩn, 1 mẫu Pecmanganat vượt 2,47 lần tiêu chuẩn; 2 mẫu lấy tại nhà dân đều có chỉ tiêu Clo dư thấp hơn tiêu chuẩn 3 lần, Pecmangant cao hơn 1,59 lần); Cty Cấp nước Sơn Tây có 2 mẫu tỷ lệ Clo dư cao hơn từ 0,1-0,2 lần tiêu chuẩn.
Trong báo cáo hằng tháng gửi Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều nói đã có công văn đề nghị các nhà máy nước đảm bảo vệ sinh, kiểm tra và sục rửa đường ống, khắc phục các chỉ tiêu không đạt quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau đó các nhà máy có thực hiện đúng hay không là cả một vấn đề và những lần kiểm tra sau tiếp tục lặp lại các lỗi tương tự.
Như kết quả xét nghiệm nước tháng 1/2014 của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy: Tất cả mẫu nước lấy tại nhà máy đều có tỷ lệ Clo dư vượt tiêu chuẩn cho phép. Về chỉ số Pecmanganat: Nhà máy Pháp Vân vượt 1,6 lần; Tương Mai và Nam Dư vượt 1,2 lần; Cty Nước sạch Hà Đông cả 4 mẫu đều vượt từ 0,4 – 0,8 lần tiêu chuẩn. Về chỉ tiêu Amoni, có 2 nhà máy không đạt tiêu chuẩn cho phép (Pháp Vân vượt 0,3 lần; Hạ Đình vượt 0,7 lần).
Với 3 chỉ tiêu quan trọng là Asen, Chì, Thủy ngân (chỉ tiêu nhóm B), mới được lấy mẫu kiểm tra ngày 18/4/2014 (4 ngày sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài Nghịch lý nước sạch Thủ đô) đều có tỷ lệ thấp hơn tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Dù phải tìm đủ cách kéo dài thời gian cung cấp cho báo chí để có kết quả xét nghiệm này, nhưng Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng chỉ có xét nghiệm tại 4 nhà máy của thuộc Hawaco: Nhà máy nước Lương Yên I (Hai Bà Trưng), Tương Mai (Hoàng Mai), Yên Phụ (Ba Đình), Cáo Đỉnh (Từ Liêm). Hơn 10 nhà máy còn lại vẫn chưa được kiểm tra. “Hiện chúng tôi đang lấy mẫu tại các nhà máy nước còn lại, khi có kết quả sẽ cung cấp sau”, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nói.
Khi PV đề nghị được xem kết quả kiểm tra của 6 tháng trước với 3 chỉ tiêu trên (quy định 6 tháng phải kiểm tra/lần với những chỉ tiêu này), ông Bình nói: “Chúng tôi có làm, nhưng nhân viên lưu trữ kết quả đang nghỉ sinh nên chưa tìm thấy”. Ông Bình tiếp tục hẹn sẽ kiểm tra lại và cung cấp sau.
Giải thích về những chỉ tiêu không đạt, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng: “Nhà máy nước Pháp Vân và Hạ Đình thường xuyên có vấn đề nhất, do nhà máy cũ và nguồn nước ngầm không tốt”. Theo ông Bình, dù có một số nhà máy không đạt tiêu chuẩn, nhưng khi hòa mạng, nước chưa đạt chỉ tiêu trộn lẫn với nước tại các nhà máy khác đạt tiêu chuẩn, các chỉ tiêu sẽ về mức bình thường.
Ông Bình còn cho rằng Clo dư hầu hết nhà máy đều vượt, nhưng đấy là tại nhà máy, sẽ giảm dần khi bơm ra đường ống tới hộ dân.
Trước khi cung cấp các kết quả kiểm định trên, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tìm đủ lý do để kéo dài thời gian, như: Người phụ trách lưu trữ kết quả đi họp, bận đi công tác, đợi xin ý kiến cấp trên… Phải mất hơn nửa tháng liên hệ, đi lại như con thoi, PV Tiền Phong mới được ông Nguyễn Hòa Bình miễn cưỡng cho xem kết quả xét nghiệm nước trên địa bàn.
Lượng nhỏ cũng rất độc
PGS. TS Trần Hồng Côn, Giảng viên khoa Hóa học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - người thực hiện “bản đồ” các vùng nước nhiễm Asen tại Hà Nội) cho rằng, những chỉ tiêu bắt buộc (như PH, Clo dư) phải nằm trong khoảng cho phép mới an toàn với người sử dụng. Như kết quả ở trên, có một số mẫu Clo dư thấp hơn 0,3 mg/lít sẽ không đủ khả năng diệt khuẩn an toàn; cao hơn 0,5 mg/lít có khả năng Clo hóa một số chất hữu cơ thành các chất Clo hữu cơ độc hại, như Trihalometan, Trihalogenmetan… “Những chất này dù lượng nhỏ, nhưng rất độc, giống thuốc sâu”, TS Côn nói.
Về chỉ tiêu Amoni, theo TS Côn, nếu vượt chút ít hầu như chưa gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng với nồng độ cao, có thể trong một tình huống nào đó Amoni chuyển hóa thành Nitrite - rất độc hại cho con người.
Về chỉ số Pecmanganat, là biểu hiện lượng các chất hữu cơ có trong nước và để xác định mức độ ô nhiễm, nhiều nước hiện không còn dùng chỉ số này, do sai số lớn (thay bằng chỉ số COD hoặc TOC). “Mẫu nước được coi là đạt tiêu chuẩn các chỉ tiêu phải nằm trong giới hạn cho phép”, TS Côn khẳng định.
Theo Lê Hữu Việt