MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Hàng hiệu' siêu rẻ tràn vào chợ tết

28-01-2016 - 08:33 AM |

Vào shop thời trang hay cửa hàng sang trọng chuyên hàng hiệu xuất khẩu (XK), khách hàng chỉ cần bỏ ra khoảng 200 nghìn đồng là sở hữu ngay chiếc áo đầm hàng hiệu Gucci, Mango...

Hàng hiệu” giá bèo

Saigon Square trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, được xem là “thủ phủ” hàng hiệu XK. Các tiểu thương nơi đây luôn miệng mời chào khách mua hàng hiệu, từ áo thun, quần jeans, áo khoác, đồ lót mang các thương hiệu lớn và giá rất rẻ như: áo thun hiệu Tommy, Polo, Adidas... chỉ từ 90.000đồng - 200.000đồng/cái, quần jeans hiệu CK, Levi’s, D&G, Seven khoảng 250.000đồng/cái.…

"Áo khoác hiệu Nike của chị mỗi năm chỉ có vài ba mẫu bán dịp tết thôi. Em sờ thử đi, thun mịn và mát chứ không nhiều nilon như các loại khác. Giá chỉ 250.000 đồng/cái”, chị Hoài bán hàng tại đây, chèo kéo. Hỏi còn size không, tiểu thương này nhiệt tình: “Size nào cũng có, thậm chí em muốn mua số lượng nhiều chỉ cần cho chị biết vài ngày, bảo đảm có đủ”.

Trước đây, khi có nhu cầu mua hàng XK, người ta thường đến chợ Nga, Saigon Square, Taka Plaza... Nay, hầu hết các cửa hàng thời trang nằm khắp các tuyến đường, con hẻm ở TPHCM đều trưng biển bán “hàng hiệu”. Săm soi chiếc áo sơ mi hiệu Holisster tại Taka Plaza 2 trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, chị bán hàng niềm nở: “Áo này chỉ 180.000đồng/cái. Hàng này để xuất đi châu Âu nhưng có vài mẫu bị lỗi hoặc hết size nên công ty đưa ra ngoài. Ở đây chị còn có váy nữ hiệu Mango, H&M, Zara… giá từ 330.000đồng - 380.000đồng/cái. Tất cả đều là hàng xuất chuẩn”.

Khảo sát nhiều điểm kinh doanh quần áo XK, đa phần mặt hàng này đều bán rất chạy, đặc biệt là trong dịp tết. Thế nhưng, khi hỏi nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì các chủ cửa hàng chỉ nói chung chung là mua từ các công ty chuyên gia công hàng XK?

Vào khu chợ Tân Bình ở quận Tân Bình, chị Mai chuyên bỏ mối hàng XK cho nhiều shop thời trang cho biết: “Các trung tâm thương mại vẫn thường hay lấy hàng ở chỗ tôi. Nếu một chiếc đầm có gắn mác Gucci giá 400.000đồng/cái thì ở đây giá chưa tới 200 nghìn đồng. Đó là chưa kể khi lấy nguyên lô (7 cái) thì giá còn giảm nữa”. Theo chị Mai, hàng XK cũng có nhiều dạng: hàng tuồn ra, hàng tồn, hàng nhái. Chính vì vậy mà giá nào cũng có.

Đa số là hàng giả

Theo bà Trần Thị Thùy Trang, trưởng phòng kế hoạch một công ty chuyên may gia công hàng xuất đi thị trường châu Âu - châu Mỹ, cách để phân biệt hàng XK xịn và nhái là nhìn vào nhãn mác. “Nhãn mác trên quần áo XK xịn thường được đính ở cổ, hông hay cạp quần áo với các đường nét rõ ràng, tinh xảo. “Bạn hãy để ý đến số lượng và độ co giãn khi kéo nhãn in chữ, hàng XK xịn sẽ có hai - ba mác trở lên, cung cấp thông tin về chất liệu, size cỡ, thương hiệu, nhãn xịn sẽ có độ co giãn tốt, không bị đứt như hàng nhái”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, với sự tinh vi của công nghệ làm giả hiện nay, chỉ dựa vào nhãn mác thôi thì vẫn chưa đủ để phân biệt thật, giả. Theo bà Trang, quần áo nhái XK được may rối, dễ bị đứt chỉ, họa tiết hay bị nhém, hình in thường dính vào nhau.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM khẳng định: “Những sản phẩm quần áo XK trên thị trường hiện nay đa phần là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Đa số các nhãn hiệu lớn như BCBG, Express, Guess, LV… ngay từ khi ký hợp đồng gia công hàng, họ đã thỏa thuận là sản phẩm của họ còn tồn, hàng lỗi, dư ra thì đơn vị gia công phải hủy mác, tem hoặc chỉ được xuất sang một nước thứ ba. Chính vì vậy, dòng sản phẩm này gần như sẽ không được phép bán trong nước. Nếu muốn bán, người kinh doanh phải nhập lại từ các thị trường đó với mức thuế, chi phí và giá cả khá cao. Do đó, hàng thời trang XK thường có số lượng không nhiều và được bán với giá khá đắt”.

 

Khi thắc mắc tại sao hàng xuất mà có đủ size, ông Trung (người có 3 kiot ở Saigon Square) chuyên may hàng mẫu cho hay: “Nói thiệt ở đây 100% đều là hàng nhái. Nắm xu hướng thời trang, tôi đưa mẫu cho các xưởng “lên” vài mẫu rồi chào hàng. Nếu họ đồng ý và đặt số lượng thì mình “lên” gần giống hàng XK. Nhưng dạng hàng này không qua khâu kiểm duyệt, đóng mác, đính giá giống như hàng xuất chuẩn được”.

 

 

Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên