MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng lậu, hàng giả: Ngày càng khó chống!

29-05-2013 - 08:41 AM |

Hàng giả đang tràn vào Việt Nam qua đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch với số lượng và chủng loại phức tạp, rất khó kiểm soát.

Gần đây tình trạng hàng giả, nhất là từ Trung Quốc, nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều, không chỉ có hàng tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm mà cả thực phẩm... Tình trạng này cảnh báo nguy cơ không an toàn đối với hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Vi phạm an toàn thực phẩm tăng

. Phóng viên: Qua hoạt động quản lý thị trường, ông đánh giá tình hình buôn lậu hàng hóa hiện nay như thế nào?

+ Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường: Tình hình buôn lậu hàng hóa đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sự gia tăng buôn lậu nhiều chủng loại hàng hóa lớn từ hàng cấm như ma túy, động vật hoang dã đến các mặt hàng thông thường như gia cầm và sản phẩm gia cầm, nội tạng động vật, sữa, đường kính, vải, quần áo, đồ điện tử dân dụng, xăng dầu, hóa chất, phân bón, thuốc thú y, gạch men, phụ tùng xe máy…

. Nổi cộm trên thị trường gần đây nhất có tình trạng hàng nhập vi phạm về an toàn thực phẩm, sự việc cụ thể ra sao?

+ Hiện tượng sử dụng chất cấm, chất phụ gia trong bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm trái quy định đang tăng lên rõ rệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Cụ thể là nhiều vụ vi phạm về sử dụng hàng quá hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng trong thực phẩm chế biến; nhập lậu chất cấm để pha trộn trong thức ăn chăn nuôi liên tục bị phát hiện. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, dấu kiểm soát giết mổ, không đưa vào cơ sở giết mổ tập trung, trốn kiểm dịch tràn lan. Chỉ riêng năm 2012, quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý trên 7.000 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, xử phạt hành chính trên 31 tỉ đồng.

. Sự phức tạp gia tăng có phải do lượng lớn hàng lậu không chỉ qua đường tiểu ngạch?

+ Đúng vậy. Trước đây, hàng giả chủ yếu sản xuất trong nước thì nay phần lớn là nhập từ nước ngoài về làm tăng lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, lại đa dạng về mặt hàng, chủng loại. Tuy các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện bắt giữ và xử lý rất nhiều vụ nhưng mức độ vi phạm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Cần chính sách đặc thù cho biên giới

. Vì sao tình trạng hàng giả, hàng lậu không giảm mà còn tăng lên như vậy?

+ Thứ nhất, Việt Nam có đường biên giới trên bộ rất dài với nhiều đường mòn, đường tắt qua lại. Thứ đến là tình trạng thiếu việc làm ổn định ở một số tỉnh biên giới. Thu nhập chủ yếu của người dân nơi đây nhờ vào việc làm thuê cho các đối tượng buôn lậu hoặc trực tiếp buôn bán hàng nhập lậu. Đó là các nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu qua biên giới.

Bên cạnh đó, nhiều rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, điều kiện lưu thông hàng hóa cải thiện cũng làm cho lượng hàng hóa lưu thông phong phú hơn. Kéo theo là các hành vi vi phạm về hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... có đất phát triển.

. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề rào cản?

+ Hiện nay, hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng. Khi các rào cản thương mại dần được dỡ bỏ thì tình hình càng nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như Quyết định 254/2006/QĐ-TTg về tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, giúp giảm bớt khó khăn cho đồng bào vùng biên đã bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng, thu gom hàng hóa, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển vào nội địa tiêu thụ… 

Hay Thông tư liên tịch 60/2001/TTLT-BTC-BCT-BCA quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường cũng bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng bằng cách xuất hóa đơn bán hàng hợp thức hóa hàng lậu.

Bên cạnh đó là lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng nhưng lại là lực lượng chính hậu kiểm tất cả mặt hàng trong thị trường nội địa, cộng thêm sự thiếu thốn về thiết bị chuyên dụng, phương tiện kiểm tra, cơ sở vật chất. Nhiều trường hợp một đội quản lý thị trường chỉ có 3-4 biên chế tại một huyện, thậm chí phải trải ra 2-3 huyện nên không đảm bảo lực lượng ứng trực khi có hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu xảy ra. Và do chưa được tổ chức xuyên suốt, thống nhất từ trung ương đến địa phương nên rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

. Vậy về lâu dài cần thực hiện những giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên?

+ Chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm ổn định, giúp họ nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Từ đó người dân sẽ không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu nữa.

Vấn đề quan trọng khác là rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, tránh để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Với tình trạng có nhiều lực lượng kiểm tra dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc bỏ trống không kiểm tra, không ai chịu trách nhiệm hiện nay thì cần tiếp tục xây dựng đề án theo hướng giao một bộ chịu trách nhiệm chính, quản lý tập trung và hiệu quả hơn.

Gia cầm nhập lậu quá nhiều

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ hơn 32.000 kg gà lông, 96.200 kg gà thịt, gần 447.000 quả trứng gà Trung Quốc, 96.799 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu. Hơn 607.900 con gà giống, 4.990 vịt con, 6.913 kg chim, tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng 1 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 625 triệu đồng.


 

Theo Tú Uyên

khanhnt

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên