MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khiếp đảm tình trạng hàng giả tràn lan

13-01-2016 - 15:39 PM |

Gas giả lộng hành vì mức lợi nhuận khủng, bột ngọt TQ “đội lốt” hàng chất lượng cao. Hiểm họa hàng giả tràn lan ngày một tăng, từ bột ngọt đến quần áo thời trang...

Khoảng 30% gas đang sử dụng trong các gia đình là giả và lậu, nhất là ở các địa phương vùng xa. Thậm chí nhiều tổ chức kinh doanh gas lậu, gas giả nhưng có nhân viên mặc đồng phục, tổ chức khuyến mãi, số điện thoại cửa hàng hẳn hoi!

Ông Trần Minh Loan - phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, chủ hệ thống bán lẻ gas Bình Minh - cho biết như vậy tại buổi tọa đàm “Thị trường gas - làm sao phân biệt thật giả?”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 12-1.

Nộp phạt để hành nghề... gas giả

Giải thích về hiện tượng gas giả, gas lậu hoành hành trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Bảo Trung - phó chủ tịch Chi hội gas miền Nam - cho rằng do hoạt động kinh doanh gas lậu, gas giả có lợi nhuận khủng bởi không tốn chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định chất lượng, chưa kể chất lượng gas thấp lại có thể ăn gian trọng lượng... Không chỉ doanh nghiệp chân chính chịu thiệt hại do thất thoát một lượng lớn vỏ bình mỗi năm, mà người tiêu dùng cũng bị thiệt bởi gas kém chất lượng.

Theo ông Trung, nguồn cung gas bồn hiện không được kiểm soát chặt chẽ, dùng không đúng mục đích công bố nếu không muốn nói rằng có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp đầu mối cho gas lậu... cũng là những nguyên nhân của tình trạng gas giả, gas lậu hoành hành.

Ông Trung khẳng định nếu chặt được “đường truyền” này, gas chiết nạp lậu khó có đất sống.

“Kẻ gian sẵn sàng móc ngoặc, chung chi để ngang nhiên tồn tại. Có những trạm chiết gas sang chiết nạp lậu bị phát hiện nhưng vẫn không thể dẹp bỏ mặc dù chế tài đã có sẵn”, ông Trần Minh Loan bức xúc.

Trong khi đó, ông Phan Anh Thắng, phó đội trưởng đội quản lý thị trường (QLTT) 4A - Chi cục QLTT TP.HCM, cho biết việc sang chiết gas lậu, gas giả thường được thực hiện ở các địa phương khác trước khi vận chuyển vào thành phố tiêu thụ.

Các trạm chiết nạp lậu giờ có đủ chiêu trò để núp bóng, thậm chí thuê đất của các cơ quan nhà nước để sang chiết trái phép nên rất khó phát hiện, phải điều tra nhiều công đoạn mới bắt quả tang được.

Theo ông Thắng, nhiều tổ chức và cá nhân xem việc sang chiết gas trái phép như một... nghề kiếm sống, sẵn sàng tìm cách hoạt động trở lại sau khi bị phát hiện và xử phạt, điểm này bị dẹp sẽ ngay lập tức có điểm khác mọc lên.

Theo ông Loan, dù thu lợi nhuận khủng nhưng mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng khi bị phát hiện nên chưa đủ sức răn đe. Việc vận dụng luật để phạt gas chiết nạp lậu thời gian qua quá máy móc, không có tác dụng răn đe.

Đã đến lúc phải có những thay đổi trong luật và cách áp dụng luật với hành vi sang chiết nguy hiểm này để có thể xử phạt nghiêm.


Dữ liệu: L.S. - H.Q. - Đồ họa: Tấn Đạt

Dữ liệu: L.S. - H.Q. - Đồ họa: Tấn Đạt

Gas lậu đi... cửa chính

Các công ty gas cho rằng gas giả và gas lậu đến tay người tiêu dùng hiện nay đều thông qua hệ thống các cửa hàng, đại lý bán lẻ và chính chủ những cửa hàng này trộn lẫn gas thật - giả để kiếm lời bất chính.

Ông Trần Minh Loan đề nghị các hãng gas cần xây dựng và quản lý hiệu quả hệ thống phân phối riêng của mình, thay vì chỉ mua đứt bán đoạn để kiếm lợi nhuận cao nhất rồi phó mặc cho đại lý muốn làm gì thì làm.

Theo ông Loan, tùy năng lực và thị trường của mình, các doanh nghiệp có thể lựa chọn hoặc tập trung vào kênh bán lẻ, hoặc tự lập hệ thống bán lẻ của riêng mình.

“Trước đây, đã có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hệ thống bán lẻ trực tiếp nhưng một thời gian cũng phải rút lui do thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Bản thân thương hiệu bán lẻ gas Bình Minh cũng khốn khó để duy trì. Tuy nhiên, xu hướng bán lẻ trực tiếp là tất yếu. Nếu doanh nghiệp trong nước không làm sớm, doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm trong nay mai, khi VN hội nhập sâu rộng như hiện nay”, ông Loan khuyến cáo.

Ông Nguyễn Bảo Trung cũng cho biết Hiệp hội Gas đã nhiều lần kiến nghị cơ quan soạn thảo nghị định mới cần quy định chặt chẽ những điều kiện hoạt động của các trạm chiết. Cụ thể, các trạm chiết muốn hoạt động cần có hợp đồng gắn bó hoặc trực thuộc hãng gas để quản lý nguồn cung đầu vào và sản phẩm đầu ra.

“Thủ đoạn của các trạm chiết gas lậu là đăng ký hợp đồng sang chiết gas với một hãng để làm bình phong, sau đó thực hiện sang chiết nạp lậu cho bất cứ ai có nhu cầu”, ông Trung nói, đồng thời đề nghị nên bắt buộc các trạm chiết phải có giấy phép hoặc phải trực thuộc một công ty gas nào đó.

Trong khi chờ các biện pháp mạnh tay hơn với gas giả và gas lậu, luật sư Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, thừa nhận sẽ rất khó cho người tiêu dùng đòi quyền lợi khi gặp sự cố khi dùng các loại gas này.

Do đó, lúc quyết định chọn lựa mua gas tại một cửa hàng, người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ về xuất xứ của sản phẩm, nhất là bình gas.

“Có thể phối kiểm với nhà sản xuất có thương hiệu ghi trên bình gas và phải yêu cầu nơi bán gas cung cấp, hướng dẫn cách sử dụng cụ thể, rõ ràng và thực hiện đúng theo các hướng dẫn này”, bà Thu khuyến cáo.

Trong trường hợp chủ thương hiệu khẳng định không phải hàng của mình, cửa hàng bán gas phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với khách hàng nếu xảy ra sự cố, nghĩa là nơi đó phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

“Khi bắt buộc phải ra tòa, người tiêu dùng phải chuẩn bị đầy đủ chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, nơi bán sản phẩm, cũng như chứng từ chứng minh thiệt hại do các cơ quan quản lý nhà nước xác nhận”, bà Thu nói.

 

Làm giả cả giấy vệ sinh, nước rửa chén

Tại buổi tổng kết hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2015 vào ngày 12-1, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết đã tiếp nhận 102 đơn “kêu cứu”, tố cáo vi phạm của các công ty sản xuất, đại diện thương hiệu bị làm giả.

Trong đó có 63 vụ được kiểm tra, xử lý, phạt vi phạm hành chính trên 2 tỉ đồng, tiêu hủy gần 10.000 sản phẩm.

Các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất gồm hàng thời trang (đồng hồ đeo tay, túi xách, giày dép, quần áo...), thực phẩm (bột ngọt, bánh kẹo, dầu ăn...), hàng điện máy, hàng gia dụng (giấy vệ sinh, nước rửa chén, dụng cụ nhà bếp, gas, sơn tường...), thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm...

L.SƠN - H.LỘC

Bột ngọt Trung Quốc “đội lốt” hàng chất lượng cao

Sáng 12-1 tại đường Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46, Công an TP Hà Nội) đã bắt quả tang Nguyễn Huy Nguyệt (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) chở 40 gói bột ngọt đi tiêu thụ. Khám xét nơi ở của Nguyệt, cơ quan công an thu giữ 162 gói bột ngọt giả các loại và 25kg bột ngọt nguyên liệu.

Cùng ngày, PC 46 cho biết đã ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Văn Lập (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án bột ngọt giả của nhiều thương hiệu lớn.

Trước đó, vào khoảng 18g ngày 10-1, tại khu vực đê sông Đáy (xã Cao Dương, Thanh Oai), tổ công tác liên ngành phát hiện Lập chở 2 bao tải bột ngọt mang nhãn hiệu của một công ty có dấu hiệu nghi vấn nên tạm giữ để kiểm tra.

Sau khi đại diện công ty này khẳng định số hàng hóa trên không phải hàng của công ty sản xuất, cơ quan chức năng đã khám xét chỗ ở của Lập, thu giữ một lượng lớn bột ngọt giả do Trung Quốc sản xuất và vỏ bao bì nhãn hiệu, máy dán nhiệt, cân đĩa, máy đóng hạn sử dụng... Mở rộng khám xét tại 5 địa điểm tiêu thụ hàng, cơ quan công an đã phát hiện các bao tải nguyên liệu và trên 500 gói bột ngọt.

QUANG THẾ

 

Theo Lê Sơn - Đ. Dân - H.Quý

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên