Kinh doanh taxi gặp khó
Ngoại trừ một vài doanh nghiệp taxi đang có lãi, phần lớn các doanh nghiệp còn lại đang gặp khó khăn lớn, phải thanh lý xe hàng loạt, co cụm hoạt động, có nguy cơ phá sản.
Bên “miệng hố”
Đó là ví von của ông Phan Thái Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Taxi TP.HCM, về tình hình của nhiều doanh nghiệp (DN) taxi ở TP.HCM hiện nay. Theo ông Bình, chỉ trừ một vài DN có lãi, phần lớn DN taxi còn lại trong tổng số 26 đơn vị kinh doanh taxiđang phải “thở ô xy”.
Năm 2012, có DN số đầu xe còn ở mức 400 - 500 xe, nay chỉ còn 60 xe, thậm chí có DN chỉ còn 30 xe. Tình hình tài chính của các DN nói chung khó khăn đến mức sắp tới, khi quy định chung buộc taxi phải gắn thiết bị giám sát hành trình (từ ngày 1.7.2013), thiết bị in hóa đơn trên xe..., không ít DN không đủ tiền để đầu tư các thiết bị này. “Họ đang đứng trên miệng hố, nay chỉ cần đụng một cái là họ xuống hố ngay”, ông Bình nói.
DN taxi lớn nhất hiện nay là Vinasun có 4.501 xe, chiếm khoảng 45% thị phần taxi TP.HCM. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2013, Vinasun Corp có tổng lợi nhuận sau thuế đạt 47,77 tỉ đồng (27,2% kế hoạch, tăng 69% so với quý 1/2012).
Trong quý 1/2013, Vinasun đã đưa gần 100 xe mới vào kinh doanh taxi. Dù vậy, trao đổi với Thanh Niên, ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc Vinasun kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - vẫn cho biết có hàng loạt khó khăn mà các DN taxi đang gặp phải. Trong đó căng nhất là các DN vẫn chưa tiếp cận được với lãi suất (LS) vay mới, chủ yếu vẫn đang phải chịu mức LS vay cũ 15-17%/năm.
Bên cạnh đó, Nghị định 71 về xử phạt vi phạm giao thông vừa áp dụng với mức phạt vi phạm rất cao. Tài xế taxi bị lập 1 biên bản thì coi như ngày đó chạy không công, bởi mức phạt nhẹ nhất cũng 1,2 triệu đồng. Chưa kể, trên các tuyến đường TP hiện chỗ nào cũng cắm bảng cấm đậu, cấm dừng... nên hoạt động taxi ngày càng khó.
Theo ông Đặng Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP taxi Sài Gòn Hoàng Long, dù nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân hiện vẫn tương đối cao nhưng DN taxi gặp hàng loạt khó khăn khi chi phí tăng cao do phí đường bộ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; giá các loại vật tư, vỏ lốp, bảo hiểm… tăng đồng loạt.
Thời gian qua giá xăng dầu tăng liên tục nhưng DN taxi không thể cứ mỗi lần giá xăng thay đổi lại điều chỉnh giá cước. Lý do là mỗi lần thay đổi phải kiểm định lại đồng hồ rất tốn kém… Công ty Hoàng Long vừa qua đã phải thanh lý trên 100 xe, chuyển 82 xe từ Cần Thơ, Phú Quốc về TP.HCM, cắt bỏ những điểm đón khách không hiệu quả… Hiện Hoàng Long chỉ còn khoảng 300 xe so với trên 500 xe lúc cao điểm.
Ngừng đầu tư dàn trải
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, trong một lần trao đổi với chúng tôi, đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong chiến lược kinh doanh, khiến tập đoàn rơi vào tình thế khó khăn nhất.
Theo ông Huy, gần 20 năm kinh doanh vận tải, đã gặp nhiều khó khăn theo các chu kỳ 5 năm/lần, tuy nhiên, chưa bao giờ Mai Linh phải đối mặt với khó khăn như 1-2 năm nay. Cái khó của Mai Linh là đầu tư ngoài ngành, vay ngắn hạn với LS cao để đầu tư taxi, trong khi taxi là lĩnh vực đầu tư dài hạn. Chịu LS quá cao, có lúc lên đến 25-27%/năm (2011) khiến Mai Linh lỗ dù vẫn đạt doanh thu cao.
Hiện Mai Linh đã cắt giảm mạnh các lĩnh vực kinh doanh dàn trải, chỉ tập trung vào vận tải, nhất là taxi. Taxi Mai Linh đang xếp thứ 2 tại TP.HCM với khoảng 2.600 xe, đang nỗ lực tái cơ cấu để vượt qua khó khăn.
Nói về những hỗ trợ cần cho DN kinh doanh taxi, ông Đặng Hoàng Phương đề nghị Chính phủ cần thực sự coi vận tải taxi là vận tải công cộng và có các chính sách hỗ trợ chứ không xem như ngành kinh doanh đơn thuần. Chưa kể các cơ quan chức năng cần mạnh tay và dứt khoát trong việc dẹp nạn taxi “dù” đang cạnh tranh không lành mạnh ở TP.HCM.
Theo Sở GTVT TP.HCM, đến hết năm 2012, TP có 26 đơn vị kinh doanh taxi với trên 11.000 xe, trong đó xe của các DN chiếm tỷ lệ 81%, HTX chiếm tỷ lệ 19%. |
Theo Đình Mười