MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Làm giá” ở ga Sài Gòn?

11-10-2013 - 16:24 PM |

Tuy không đến mức “một trời, một vực” so với thị trường nhưng việc giá cả dịch vụ ở ga Sài Gòn được đội lên, thậm chí gấp đôi so với bên ngoài khiến người dân bất bình.

Mua trong ga mắc lắm

Đó là câu trả lời mà PV nhận được từ nhiều hành khách ở ga Sài Gòn. Dù giá cả chỉ bị đội lên từ 5 - 10 ngàn nhưng tâm lý bị mua “hớ” cũng làm hành khách cảm thấy không bằng lòng. 

Anh Trần Văn Công (42 tuổi) trong lúc ngồi đợi tàu đã mua tờ báo Thể Thao và quyển Hoa học trò cho cô con gái tại một sạp báo trong nhà ga. Mỗi tờ báo, anh phải bỏ thêm ba ngàn đồng nữa so với giá ngoài sạp. Anh nói: “Dù giá chỉ mắc hơn có ba ngàn đồng mỗi đầu báo nhưng thực sự là cảm giác rất... ức, không phải vì tiếc sáu ngàn đồng mà là cảm giác bị hớ. Lần sau tôi sẽ không mua ở đây nữa...”. Một số đầu báo tại đây còn được người bán dán chồng giá mới lên giá niêm yết. Lý giải việc đưa ra giá cao, người bán hàng này nói do phải thuê mặt bằng.

Một chai nước khoáng Lavie giá 10 ngàn đồng, cà phê từ 15 - 20 ngàn đồng, bia, nước ngọt từ 15 - 25 ngàn đồng/lon, tùy loại. Loại mặt hàng đặc sản niêm yết giá bán cao hơn ở ngoài dao động từ 5 - 20 ngàn đồng. Nhiều cửa hàng phía trong sân ga là do nhà ga đứng ra bán, nhưng giá vẫn trên trời. Một hũ sữa chua ngoài thị trường giá năm ngàn nhưng ở đây là mười ngàn đồng. Bánh kẹo cũng có giá cao hơn bên ngoài từ 5 - 10 ngàn đồng. Và thái độ phục vụ không mấy thiện cảm.

Một suất cơm giá từ 35 - 40 ngàn chỉ lõng bõng vài miếng thịt, rau. “Ngồi đợi tàu mệt, đói nên phải ăn chứ thực sự là không muốn nuốt” - một thực khách chia sẻ. Chị Đỗ Thị Thắm sau khi mua một số đồ ăn vặt tại nhà ga để mang lên tàu đã tuyên bố sẽ không bao giờ mua đồ tại đây nữa. 

Giá thế là hợp lý

Đem câu hỏi “tại sao giá cả tại nhà ga lại đắt hơn bên ngoài?” trao đổi với lãnh đạo nhà ga, chúng tôi được trả lời: “Giá như thế là hợp lý, có niêm yết giá đàng hoàng, người dân chỉ thuận mua vừa bán”.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng ga Sài Gòn cho biết, dịch vụ bên ngoài khu vực sân ga, như xung quanh nhà chờ là của tư nhân, nhà ga cho thuê lại với giá thuê mặt bằng không cao. Giá cả các loại hàng hóa ở đây đều do tư nhân đưa ra sau khi đã thông báo với nhà ga. Nhà ga chỉ quản lý về mặt kinh doanh, còn giá cả thế nào thì không can thiệp.

Các cửa hàng trong sân ga do nhà ga kinh doanh. Ông Thành cho biết, giá cả ở đây đã được niêm yết và chỉ bán đúng giá đã niêm yết. Người dân nhìn thấy giá như thế, nếu thấy hợp lý thì mua, không thì thôi chứ đâu có treo giá một đằng bán một nẻo.

Ông Thành cũng cho hay, vừa rồi nhà ga vừa phát ra 600 phiếu trắc nghiệm để người dân đánh giá về chất lượng phục vụ của nhà ga thì không thấy phàn nàn gì nên việc nói người dân kêu ca về giá cả dịch vụ của nhà ga, có thể chỉ là một số ít người.

Đối tượng đi tàu thường là sinh viên, học sinh và người lao động. “Bỏ hớ” vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng để mua những món đồ có giá “không giống” với giá thị trường là việc không phải ai cũng dễ dàng mỉm cười mà làm được. Đa phần khách đi tàu đều phải đặt trong “sự đã rồi” khi có mặt ở nhà ga, đang ngồi đợi tàu, khi đang đói, đang khát, đang muốn đọc báo...

Nhà ga muốn được người dân hài lòng thì ngoài thái độ phục vụ tận tình, niềm nở còn cần phải có một mức giá cả dịch vụ ăn uống hợp lý. 

Theo N.Bích

khanhnt

Công an TP.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên