MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao đao nghề gỗ bóc

20-08-2013 - 18:12 PM |

Với việc ồ ạt mở xưởng của nhiều hộ dân đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, khiến cho hoạt động sản xuất gỗ bóc trở lên thăng trầm.

Khoảng 4 năm trở lại đây, trên địa bàn xã Khánh Hòa-huyện Lục Yên- tỉnh Yên Bái nổi lên phong trào mở xưởng sản xuất gỗ bóc rừng trồng, nhiều cơ sở cho thu lãi hàng trăm triệu đồng một năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Tuy nhiên, với việc ồ ạt mở xưởng của nhiều hộ dân đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu, khiến cho hoạt động sản xuất gỗ bóc trở lên thăng trầm.

Những năm 2009-2010, cùng với xu thế phát triển của một số địa phương trong và ngoài tỉnh, xã Khánh Hòa đã nổi lên phong trào mở xưởng sản xuất nghề gỗ bóc. Được biết đến như là một trong những cơ sở đầu tiên hoạt động trên địa bàn xã, cơ sở sản xuất gỗ bóc Hằng Nghinh đã có gần 3 năm tham gia vào lĩnh vực này.

Theo chủ cơ sở cho biết thì qua khảo sát thị trường nhận thấy, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương có đầy đủ tiềm năng để phát triển nghề sản xuất gỗ bóc, bởi hội tụ được những yếu tố quan trọng như: Nguồn nguyên liệu, vị trí giao thông đi lại, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động dồi dào ngay tại địa phương.

Với số vốn 600 triệu đồng đầu tư vào máy móc, trang thiết bị sản xuất là đủ để thành lập được một cơ sở gỗ bóc, bước vào hoạt động với hình thức giao khoán sản phẩm cho công nhân nên cơ sở Hằng Nghinh đã thu hút được đông đảo lao động địa phương đến làm việc và có thu nhập tương đối ổn định.

Anh Vi Văn Tình- công nhân xưởng sản xuất gỗ bóc Hằng Nghinh tâm sự: “Làm ở đây có đồng ra đồng vào, nhưng những ngày mưa không đi làm được cũng rất khó khăn, nhất là mấy tháng gần đây do thời tiết mưa nhiều”.

Theo như nhận định của chủ cơ sở gỗ bóc Bùi Thị Hằng thì nghề gỗ bóc có lúc thăng, lúc trầm. Thời gian đầu hoạt động nguồn nguyên liệu dồi dào tại các xã ven quốc lộ 70, với đủ chủng loại gỗ rừng trồng như keo, bồ đề, mỡ…, sản phẩm được các thương nhân trong và ngoài nước ưa chuộng nên sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, các xưởng gỗ mọc lên nhiều đã khiến tình hình sản xuất gặp không ít khó khăn, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, cơ sở phải sang các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ mua nguyên liệu với chi phí đắt hơn nhiều lần; lại đang là mùa mưa nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn như cơ sở Hằng Nghinh, hiện nguồn nguyên liệu cho sản xuất đối với cơ sở của chị Trương Thị Chung cũng đang cạn dần. Được UBND xã Khánh Hòa tạo điều kiện mặt bằng, cho thuê đất, địa điểm, chị Chung đã đầu tư trên 600 triệu đồng để mua máy bóc, nhà xưởng.

Chị Chung cho biết, gần 3 năm nay đi vào hoạt động chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Cách đây gần 1 năm, cơ sở luôn duy trì từ 15 đến 20 lao động sản xuất, với mức lương dao động từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, sản phẩm gỗ bóc được bạn hàng từ Trung Quốc sang trực tiếp mua với giá cao, do đó trừ chi phí mỗi năm cơ sở cũng thu về hàng trăm triệu đồng. 

Song đến thời điểm này, do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên nhiều công nhân tạm thời nghỉ việc, sản phẩm bị ép giá đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất của cơ sở của chị Chung.

Qua khảo sát, hiện xã Khánh Hòa có 8 cơ sở tham gia sản xuất gỗ bóc, tập trung chủ yếu tại thôn 8, hàng năm các cơ sở đã đóng góp trên dưới 100 triệu đồng tiền thuế, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 100-120 lao động tại địa phương.

Với sự mở ra ồ ạt các cơ sở SX gỗ bóc, trong khi nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, cộng với đầu ra không ổn định, làm cho nghề gỗ bóc trên địa bàn xã Khánh Hòa lao đao, có nguy cơ dẹp tiệm nếu không được tổ chức lại... 

Theo Khắc Điệp

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên