Lò mổ lậu phát triển, nhà máy trăm tỷ 'treo dao'
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Cty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai từng so sánh một nhà máy đạt chuẩn về quy trình giết mổ lại không thể cạnh tranh nổi với một lò mổ trái phép chỉ cần con dao và cái xô.
- 13-05-2014Lò mổ ngưng hoạt động, thịt heo ở Đà Lạt trở nên khan hiếm
- 19-08-2013Lò mổ lậu “giết” lò mổ hiện đại
- 07-06-2013Sợ thịt bẩn, cả xóm góp chung lợn, mở lò mổ riêng
Bà Hồng cho rằng, tình trạng giết mổ lậu vẫn hoành hành khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp không ít khó khăn. “Vì những lò mổ tự phát không phải chịu bất kỳ một chi phí nào, họ sẵn sàng giết mổ cả heo bệnh nên giá rẻ cỡ nào cũng vẫn có lợi nhuận”, bà Hồng phân tích.
Với sự tồn tại của các điểm giết mổ lậu không có kiểm soát thú y, mỗi ngày, trong số hàng chục tấn thịt được đưa ra thị trường thì lượng thịt không được kiểm soát thú y rất lớn. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, hoạt động của cơ sở giết mổ không phép đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp được cấp phép, chấp hành nghiêm quy định hoạt động giết mổ. Ông Quang cũng cho rằng, để tồn tại các cơ sở giết mổ trái phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh có 194 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát bởi cơ quan thú y. Trong đó, chỉ có 9 cơ sở trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ treo, đảm bảo các điều kiện quy định. Hơn 95% cơ sở còn lại không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, khoảng 200 điểm giết mổ lậu không kiểm soát thú y vẫn hoạt động lén lút trên địa bàn.
Tình trạng lò giết mổ gia súc không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường tồn tại ngang nhiên đã khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền với vốn lớn đã “chết yểu”. Nhà máy giết mổ D&F thuộc Tổng Cty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai với dây chuyền hiện đại đã phải dừng hoạt động là một ví dụ.
Năm 2008, Nhà máy chế biến thực phẩm D&F giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng theo công nghệ châu Âu được Tổng Cty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đưa vào hoạt động tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Dây chuyền giết mổ, hệ thống kho lạnh bảo quản, chế biến đạt công suất giết mổ 2.000 con gà/giờ và 100 con lợn/giờ. Nước thải đạt tiêu chuẩn loại A. Hoạt động của nhà máy từ khâu giết mổ, chế biến đến vận chuyển và bán lẻ đều trong môi trường khép kín, bảo quản lạnh đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, nhà máy buộc phải ngưng hoạt động giết mổ vì không cầm cự nổi.
Tiền phong