MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2016: Hàng loạt biện pháp “siết” các cơ sở thực phẩm chức năng

30-12-2015 - 08:54 AM |

Hiện tại, hơn 60% số sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất trong nước, hơn 30% còn lại được nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng gia tăng rất nhanh chóng và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) tại Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng” do Báo Lao Động phối hợp cùng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục ATTP tổ chức sáng 29.12, tại Hà Nội.

Phạt các cơ sở TPCN vi phạm lên tới 4,5 tỉ đồng

Hiện tại, hơn 60% số sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, hơn 30% còn lại được nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh chóng và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Theo khảo sát, số người sử dụng TPCN tại Hà Nội là 63% số người trưởng thành, tại TPHCM là khoảng 43% số người trưởng thành. Bởi đây là mặt hàng lợi nhuận cao nên tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh TPCN đang rất đáng lo ngại, TPCN nhái, giả, kém chất lượng còn khá nhiều, thậm chí đã có không ít vụ người tiêu dùng phải nhập viện điều trị vì sử dụng phải TPCN giả.

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - cho biết, qua thanh-kiểm tra, xử lý vi phạm về TPCN thời gian qua, những vi phạm phổ biến nhất là: Sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã được công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN; sản xuất TPCN ở nơi không đảm bảo vệ sinh…

Trong năm 2015, chỉ tính riêng Cục ATTP đã phát hiện vi phạm và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên tới trên 4,5 tỉ đồng. Trong đó riêng quảng cáo là 201 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,5 tỉ. Thu hồi 74 giấy phép lưu hành sản phẩm, 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tạm dừng lưu thông 66 lô sản phẩm, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 vụ. Ngay trong tuần này, cục đang hoàn thiện hồ sơ xử lý thêm 18 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN có sai phạm. “Chưa năm nào Cục ATTP phát hiện, xử lý số cơ sở sai phạm về ATTP nói chung, TPCN nói riêng lại nhiều đến vậy” - ông Phong nói.

Nói thêm về thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng, ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 - cho biết, tình trạng sản xuất TPCN giả đang khá phổ biến. Chỉ trong 3 tháng gần đây, từ 15.7 - 15.10.2015, cơ quan chức năng đã thanh-kiểm tra, phát hiện và xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước đến 22,319 tỉ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỉ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.

Sẽ chấm dứt sản xuất TPCN như “nấu cám lợn”

PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN - đưa ra bình luận: “Tôi không nói quá chứ, hiện nay vẫn còn không ít cơ sở sản xuất TPCN như “nấu cám lợn”. Thế rồi sau đó công bố là hỗ trợ điều trị bệnh này, bệnh kia và bán với giá “trên trời”. Tôi nghĩ đã đến lúc cần đặt ra các quy chuẩn về sản xuất TPCN. Nếu nói TPCN này hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp...thì phải được thử nghiệm trên người xem có thật sự tác dụng không. Không thể để chậm trễ hơn nữa, vì ở các nước TPCN sản xuất có những quy chuẩn rất rõ ràng, thì không lý gì mà VN lại không quy chuẩn sản xuất TPCN...”. PGS-TS Trần Đáng còn nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý phải thống nhất được biện pháp quản lý, đừng làm rối thêm “ma trận” TPCN. Cố gắng trước tết Bộ Y tế sẽ ban hành được tài liệu hướng dẫn liên quan đến TPCN”.

PGS-TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp về dược phẩm - cho rằng, thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu sự hòa hợp giữa các quốc gia… chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN ở nước ta rối loạn.

Trước ý kiến này, TS Nguyễn Thanh Phong đã chính thức tuyên bố, từ năm 2016 tất cả các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) mới được sản xuất. Những cơ sở không đạt các điều kiện sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Vấn đề thử nghiệm lâm sàng cũng đưa vào bắt buộc. Công bố bất cứ một công dụng nào của một sản phẩm TPCN phải có cơ sở khoa học rõ ràng như thử nghiệm trên bao nhiêu người, kết quả ra sao... Hội đồng khoa học của Bộ Y tế sẽ đánh giá khách quan. Đây là những việc mà Cục ATTP sẽ sớm đẩy mạnh bằng các văn bản quy phạm và lập lại trật tự thị trường TPCN.

PGS-TS Lê Văn Truyền cũng đưa ra nhận định rằng: Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2016, thì rõ ràng ngành TPCN ở nước ta đứng trước các thách thức rất to lớn. Nếu Việt Nam không giải quyết được các vấn đề nêu trên thì thị trường TPCN rất có triển vọng ở nước ta sẽ bị chiếm lĩnh bởi các nhà sản xuất kinh doanh TPCN có uy tín của các nước ASEAN và các đối tác của Hiệp định TPP. Như vậy, sẽ có không ít các doanh nghiệp sản xuất TPCN trong nước sẽ “chết” ngay trên sân nhà.

 

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: Tất cả các sản phẩm đều sẽ được cấp phép qua mạng, mỗi sản phẩm cấp phép đều có mã số. Khi đi thanh-kiểm tra, thấy sản phẩm không đạt thì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã số, truy cập vào sẽ ra tất cả các thông tin về sản phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Vũ - Phó phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Mặt hàng TPCN vi phạm chất lượng chủ yếu tập trung vào các nhãn hàng hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp, giảm cân, tăng cường sinh lực…

 

Theo C.T.Liên - N.P

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên