Ngành đường - Cần minh bạch khâu phân phối
Nhà máy sản xuất kêu khó khăn, lỗ; các siêu thị, cửa hàng bán lẻ kêu lãi không đáng kể; trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua giá cao hơn nhiều nước trong khu vực, vậy vấn đề nằm ở đâu?
Ba năm vẫn kêu “lỗi" do khâu phân phối
Trong những năm gần đây, dư luận xã hội vẫn tập trung vào sự yếu kém của ngành đường, cho rằng, với thị trường hơn 80 triệu dân, nhu cầu sử dụng tương đối lớn, giá đường bán ra luôn ở mức cao hơn với nhiều nước trong khu vực, thế nhưng ngành đường vẫn luôn kêu “lỗ”. Đã vậy, ngành mía đường còn đề nghị sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như là một trong những mặt hàng được lựa chọn đưa ra trên các bàn đàm phán.
Tại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam- cho biết: Giá đường bán xỉ (cấp 1) bán ra tại nhà máy là 13.000 - 13.500 đồng/kg, thế nhưng khi bán tới tay người tiêu dùng dội giá lên tới 18.000 - 21.000 đồng/kg (tức là từ khâu bán xỉ đến bán lẻ đã dội giá thêm 44-55%, trong khi trên thế giới mức chênh này chỉ từ 10-15%, cao nhất cũng chỉ tới 20%).
Ông Hải đưa ra ý kiến: Bản thân các nhà máy đường, người nông dân thì hưởng lợi rất ít ỏi, chưa nói là lấy công làm lãi. Điều nghiêm trọng hơn, với giá bán lẻ ở thị trường nội địa cao như vậy sẽ là động lưc cho các hoạt động nhập lậu đường từ các nước xung quanh về bán kiếm lợi nhuận. Vậy phải chăng đây là sự bất cập lớn trong hệ thống phân phối, đề nghị Bộ Công Thương xem xét để có sự điều hành hài hòa lợi ích giữa các thành phần.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 15/8, lượng đường tồn tại tại kho các nhà máy là 369.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/7 đến 15/8 là 92.960 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 21.500 tấn. |
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - tuy rất chia sẻ với khó khăn của ngành đường nhưng cũng đưa ra nhiều ý kiến chưa thống nhất với Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Theo bà Loan, cách đây 3 năm, vấn đề chênh lệch giá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng đã được Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra.
Dư luận xã hội rất bất bình cho rằng các nhà bán lẻ là người “hưởng lợi” nhất trên công sức người nông dân trồng mía, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thậm chí, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phải vào cuộc, yêu cầu Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phải có báo cáo về cái gọi là “lãi khủng” của khâu trung gian.
Thời điểm đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN đã có giải trình đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Các DN bán lẻ đã chứng minh trên thực tế chưa bao giờ họ mua được cái giá xỉ tại nhà máy (cấp 1) như Hiệp hội Mía đường Việt Nam công bố mà phải mua qua các khâu trung gian khác với mức giá xấp xỉ 18.000- 19.000 đồng/kg.
Tuy vậy, sau 3 năm, vấn đề này lại tiếp tục được Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra, đề nghị cơ quan quản lý cần có sự điều hành hợp lý sao cho đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa các thành phần.
Lỗi hệ thống?
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công Thương, vấn đề tuy không mới, và đúng là bất hợp lý. Song đây là lỗi hệ thống, không phải riêng chỉ ở khâu nào. Đó là cả một chuỗi: từ quản lý nhà nước đến hiệp hội và chính các DN.
Theo ông Quyền, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến và nghiên cứu để có cách điều hành hợp lý. Tuy nhiên, bản thân các Hiệp hội Mía đường cũng phải vào cuộc, hay chính xác hơn nên tổ chức họp với các DN trong ngành để bàn bạc vấn đề từ khâu sản xuất, tính toán được đầu vào, đầu ra, các chi phí… đến việc chủ động tổ chức mạng lưới phân phối, làm sao để có trách nhiệm hơn nữa đối với chính sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng chứ không chỉ cắt đoạn khâu sản xuất, sản phẩm ra khỏi nhà máy là hết trách nhiệm như hầu hết các DN trong ngành đường hiện nay.
Ông Quyền cũng khẳng định: Nhà nước chỉ đưa ra chính sách, làm công tác quản lý để tạo môi trường và đảm bảo về mặt luật pháp, giám sát sự cạnh tranh cho lành mạnh chứ không phải là cơ quan đi tổ chức mạng lưới phân phối cho các DN nói chung hay ngành đường nói riêng. Hầu hết các đoàn đàm phán cũng đã luôn xem mặt hàng đường là một trong những mặt hàng ưu tiên trong quá trình đàm phán với các đối tác. Tuy nhiên, bản thân các DN ngành đường cũng cần phải hiểu và chia sẻ việc bảo hộ của nhà nước trong thời điểm hiện nay là không thể, mà phải vận hành theo cơ chế thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đinh Thị Mỹ Loan thẳng thắn đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam nên cùng Hiệp Hội Các nhà bán lẻ và các DN thành viên ngồi trực tiếp với nhau để bàn bạc cụ thể, làm minh bạch về những vấn đề ông Hải nêu ra, trong đó cần giải bài toán vì sao các nhà bán lẻ phải mua giá cao qua các công ty thương mại, các trung gian khác mà không phải là mua trực tiếp được đường từ các nhà máy với giá cấp 1.
Bởi theo bà Loan, các nhà bán lẻ Việt Nam báo cáo rất rõ ràng, chưa bao giờ mua được cái giá 12.000 - 13.000 đồng/kg từ chính các nhà máy đường công bố. DN bán lẻ đều phải mua từ các đại lý, DN thương mại… với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. "Với đầu vào như vậy thì việc bán ra giá khoảng trên dưới 21.000 đồng/kg là hết sức bình thường"- bà Loan nói.
Vậy, vấn đề ở đây là Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam có ngồi lại với nhau không? Và nếu có ngồi với nhau rồi thì vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào? Mặt khác, bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tham gia để sớm tìm ra lời giải cho bài toán này, nếu không, người tiêu dùng sẽ vẫn phải mua giá cao, “lỗi hệ thống phân phối” sẽ trở thành "giai thoại”!
Bó tay với đường cát Thái Lan nhập lậu?
Theo Quỳnh Minh