MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người trước thua lỗ, người sau vẫn nuôi

02-04-2014 - 11:33 AM |

Không chỉ người trồng lúa, trồng dưa, rau củ... rơi vào cảnh nợ nần vì hàng làm ra bán không được, trong hai năm qua người chăn nuôi cũng bị thua lỗ hơn 1,3 tỉ USD, theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi VN.

Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn cung vượt nhu cầu thực của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn đổ tiền vào xây chuồng trại với hi vọng làm giàu, trong khi những người có kinh nghiệm chăn nuôi trang trại nhiều năm nay đang tìm cách rút khỏi ngành này.

Lỗ chồng lỗ

Đưa chúng tôi thăm trại gà đẻ với hơn 100.000 con, ông Lê Văn Hòa (thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết chỉ trong nửa cuối tháng 3 gia đình ông lỗ gần 2 tỉ đồng, hiện đang tiếp tục chịu lỗ hơn 30 triệu đồng/ngày. “Nếu tình hình này kéo dài thêm hai tuần, tôi không còn cách nào khác là buộc phải rã đàn bán gà thịt chứ không thể nào trụ tiếp nữa” - ông Hòa than.

Tương tự, ông Lê Kim Bằng, chủ trại gà Minh Trung (xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) với khoảng 15.000 con gà đẻ trứng hiện phải cầm cự với tình trạng thua lỗ mỗi ngày do giá trứng quá thấp. “Với giá khoảng 1.400 đồng/trứng, người nuôi chỉ mới thu lại vốn. Còn bây giờ giá chỉ khoảng 1.100 đồng/trứng, người nuôi không bị lỗ mới là chuyện lạ” - ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Minh Thuần, chủ trại nuôi gà Minh Đạt (xã Trung An, TP Mỹ Tho), cho biết ông nuôi khoảng 20.000 con gà đẻ, mỗi ngày thu hoạch 17.000-18.000 trứng. Từ sau khi có thông tin dịch cúm đến nay, mỗi ngày trang trại này còn tồn 7.000-8.000 trứng, chưa kể giá trứng giảm chỉ còn khoảng 1.100 đồng/trứng so với mức 1.600-1.700 đồng/trứng trước đây nên ông Thuần bị lỗ nặng. “Tính hết mọi chi phí, mỗi ngày tôi cầm chắc lỗ hơn 10 triệu đồng. Tôi đang đợi giá gà thịt tăng lên là sẽ kêu bán thịt cả đàn gà, chứ cứ để tình hình vầy chắc phá sản quá” - ông Thuần than thở.

Sau nhiều ngày năn nỉ và thúc giục, cuối tháng 2 thương lái đã đến mua hết 5.000 con gà tam hoàng (gà lông màu) đã quá ngày xuất chuồng của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu (huyện Tân Phú, Đồng Nai) với giá 25.000 đồng/kg. Với giá thành lên đến 37.000 đồng/kg, toàn bộ đàn gà bán ra (bình quân 2kg/con) ông Hữu đã bị lỗ trên 100 triệu đồng. 

Theo ông Hữu, giá gà tam hoàng đã hồi phục trong những ngày gần đây với 34.000-35.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn giá thành 2.000-5.000 đồng/kg. Ngày 1-4, giá gà công nghiệp chỉ còn 26.000 đồng/kg, tức người nuôi đang lỗ khoảng 6.000 đồng/kg trong khi giá trứng gà giảm mạnh, trứng tiêu thụ chậm và bị tồn đọng số lượng lớn...

Theo ông Nguyễn Đăng Vang - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, sau thời kỳ bùng nổ xây dựng trang trại heo, gà hồi năm 2011, đến nay tổng số chuồng trại đã dư thừa so với nhu cầu chăn nuôi. Do nguồn cung quá lớn nên đa số ngành chăn nuôi đều ít nhiều chịu cảnh giá bán thấp hơn giá thành. Thiệt hại của ngành chăn nuôi tính trong hai năm qua lên đến 1,3 tỉ USD và vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại khi giá nhiều sản phẩm chăn nuôi tiếp tục ở mức thấp.

Vẫn đổ tiền tỉ xây trại gà mới

Với bốn chuồng quy mô 60.000 con gà thịt, hơn ba tháng nay trang trại của anh Trần Văn Kim tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vẫn đang bỏ trống. Theo anh Kim, hơn hai năm trước anh ký hợp đồng nuôi gia công gà công nghiệp với một công ty có vốn nước ngoài. Theo đó, anh bỏ trên 7 tỉ đồng, chưa kể tiền mua đất, để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuồng trại, còn công ty lo phần thức ăn, con giống, thú y. Theo như hợp đồng đã ký, mỗi năm trang trại này nuôi được năm lứa gà công nghiệp, tiền công nuôi giúp anh Kim thu hồi vốn trong khoảng năm năm.

Thế nhưng chỉ được một năm đầu mọi thứ diễn ra suôn sẻ đúng kế hoạch, bước sang năm thứ hai công ty bắt đầu giãn thời gian cách ly giữa hai lứa thay vì năm lứa như kế hoạch, cả năm anh Kim chỉ nuôi được ba lứa gà. Và đến đầu năm 2013 thì công ty ngưng hẳn việc thả gà vào trại với lý do thua lỗ. “Hợp đồng ký năm một nên giờ công ty dừng thả gà tôi cũng chưa biết làm gì với chuồng trại bỏ không và trên 2 tỉ đồng vốn vay ngân hàng” - anh Kim than thở.

Dù thua lỗ nhưng ông Hữu (Tân Phú, Đồng Nai) cho rằng do chuồng trại đã đầu tư rồi, bây giờ chẳng lẽ bỏ không. Hơn nữa, không nuôi gà cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống. “Tôi đã chuẩn bị mua gà con về thả lại sau một tháng vệ sinh chuồng trại. Hi vọng lứa gà sau sẽ có lời để gỡ lại” - ông Hữu nói.

Bất chấp tình trạng thua lỗ, nhiều nông dân tại một số địa phương vẫn tiếp tục đổ vốn đầu tư chuồng trại mới. Vào những ngày cuối tháng 3, hàng chục công nhân xây dựng vẫn miệt mài xúc cát, đánh hồ, đổ vữa... để nhanh chóng hoàn thiện chuồng gà cuối cùng trong tổng số sáu chuồng trại của anh Nguyễn Tiến Dũng (Định Quán, Đồng Nai). Đây là những trại gà mà anh Dũng hợp tác với một công ty chăn nuôi lớn để nuôi theo hình thức gia công, trong đó người dân đầu tư chuồng trại, còn công ty đưa con giống, thức ăn, thuốc thú y...

Chưa tính tiền đất có sẵn của gia đình, tiền đầu tư cơ sở hạ tầng như san đất, làm đường, kéo điện và xây chuồng trại, lắp đặt hệ thống thông gió, hệ thống cho gà ăn tự động... đã tốn hết của anh Dũng gần 10 tỉ đồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa cho san lấp xong đất để xây dựng khu nuôi gà với năm chuồng trại quy mô trên 60.000 con. 

Đây là mảnh đất định trồng cao su nhưng hai năm trở lại đây giá cao su giảm nhanh, không còn lợi nhuận như trước nên ông Quang chuyển hướng sang xây trang trại nuôi gà. “Đất đai thì mình có sẵn nên yên tâm phần nào, chứ gần đây thấy nhiều người bỏ trại tôi cũng khá lo” - ông Quang tự trấn an.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ cho biết đã khảo sát một số công ty chăn nuôi lớn thì họ đang có kế hoạch giảm đàn gà, nếu người dân còn mở thêm trang trại mới sẽ càng làm tình hình thêm khó khăn hơn. “Bởi khi đã dư chuồng trại, các công ty sẽ quay lại ép người nuôi bằng cách kéo dài thời gian nuôi giữa các lứa gà, giảm hệ số tiêu tốn thức ăn... tức giảm thu nhập của người chăn nuôi” - một lãnh đạo của Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ nói.

Dư thừa chuồng trại

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng hiện các công ty chăn nuôi trên địa bàn đều đang dư thừa chuồng trại nên họ đã chủ động giãn thời gian nuôi giữa hai lứa gà, thay vì chỉ một tháng như trước kia đã tăng lên một tháng rưỡi đến hai tháng.

“Hằng ngày tôi đều nhận được điện thoại của các nhà đầu tư muốn hợp tác mở trại mới. Đây sẽ là một sự lãng phí quá lớn, không những người dân mà cả công ty cũng phải chịu rủi ro. Chỉ có 10 bát cơm, trước đây có 10 người nuôi thì mỗi người ăn một bát. Giờ có thêm hai người nuôi nữa thì chia ra phần của mỗi người sẽ ít đi. Công ty cũng chẳng được lợi lộc gì vì giảm của người cũ cho người mới thì người cũ có ý kiến” - vị giám đốc này cho biết.

Ông NGUYỄN ĐĂNG VANG (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN): Nông dân cần thông tin chính xác

Tình trạng cung vượt cầu trong chăn nuôi bùng nổ từ năm 2011 khi giá các sản phẩm tăng cao và dòng vốn từ các ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản, đổ vào xây trang trại. Hơn nữa, việc thống kê và khuyến cáo của các ngành chức năng đã không hiệu quả để giúp người dân định hướng trong đầu tư. Số liệu thống kê của chúng ta có vấn đề đã gây sai lệch và nhầm lẫn cho nhà đầu tư. Với cách thống kê cũ cho ra sản lượng thịt, trứng thấp hơn nhiều so với thực tế nên các nhà quản lý và nông dân vẫn cho rằng còn dư địa để đầu tư, trong khi thực tế đã dư thừa là rất nguy hiểm.

Theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi VN, với nhu cầu tiêu thụ thịt của VN hiện nay, phải mất 2-3 năm nữa đàn vật nuôi mới lấp đầy số chuồng trại hiện có. Do đó, theo tôi, các nhà đầu tư không nên đầu tư xây mới chuồng trại chăn nuôi heo, gà nữa mà hãy tận dụng chuồng trại hiện có. Về lâu dài, VN cần có hệ thống thống kê đầy đủ, chính xác về tổng đàn vật nuôi, sản lượng thịt xẻ và nhu cầu của thị trường để người chăn nuôi căn cứ vào đó ra quyết định đầu tư mở rộng hay thu hẹp sản xuất.


Theo TRẦN MẠNH - TRƯỜNG GIANG

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên