Nhà mạng ép khách dùng dịch vụ, thu tiền tỷ
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone đã tích hợp dịch vụ nội dung sẵn trên sim điện thoại mà không cần sự đồng ý của khách hàng.
- 18-12-2013Choáng với cước 3G : Gậy ông đập lưng ông
- 17-12-2013Cước 3G: Vô tư tăng giá, bỏ mặc người dùng
- 16-12-2013Choáng với cước 3G: Lập lờ kiếm thêm 500-600 tỉ đồng
- 14-10-2013Nhà mạng để lộ danh bạ khách hàng?
- 01-12-2012Nhà mạng bị nghi ngờ bán thông tin thuê bao
Hôm qua, tại Hội nghị triển khai chương trình, kế hoạch công tác thanh tra thông tin truyền thông năm 2014 và tổng kết thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các ứng dụng IOD của VinaPhone, Viettel Plus của Viettel, SuperSIM và LiveInfo của MobiFone được cài sẵn trên sim điện thoại cho phép tải thông tin và tính phí, song không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận có đồng ý tải dịch vụ với mức phí đưa ra hay không. Việc làm này mang lại doanh thu không nhỏ cho các nhà mạng thời gian qua.
Thống kê cho thấy, từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, Vinaphone thu về 20,67 tỷ đồng từ ứng dụng IOD. Ngoài ra, VinaPhone phối hợp VASC (thuộc VNPT) cung cấp trang http:10.1.10.50/wapmediav2 có chức năng cho phép nghe, xem, tải thông tin, dịch vụ và tính phí, nhưng không niêm yết rõ ràng giá cước, đem về doanh thu 8,948 tỷ đồng từ 7/2012 đến 5/2013. MobiFone hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung để đưa ra dịch vụ. Doanh thu từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013 là 150,57 tỷ đồng.
Nhiều chiêu lách quy định về thuê bao trả trước
Kết quả thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, dù Thông tư 04 về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước có hiệu lực từ 1/6/2012, nhưng doanh nghiệp và các đại lý sử dụng nhiều chiêu lách luật. 88% các chi nhánh của doanh nghiệp, 90% các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có sai phạm khi Bộ thanh tra các doanh nghiệp và 29.377 điểm đăng ký thuê bao di động.
Vi phạm chủ yếu của các điểm giao dịch thuộc doanh nghiệp di động là về quy trình tiếp nhận, đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao. Có trung tâm có tỷ lệ đăng ký sai thông tin đến 88%.
Các sai phạm được chỉ ra như đăng ký thuê bao bằng tên không có trong thực tế như asd, jjj, Avio Việt Nam, ảnh chứng minh thư lưu (trên hệ thống) của nhiều thuê bao di động trả trước là ảnh người uống bia, em bé, phong cảnh.
Tình trạng dùng một ảnh chứng minh thư để đăng ký nhiều sim sinh viên cũng diễn ra phổ biến. Tài khoản 1284725158 của MobiFone từ ngày 1/6/2012 đến 30/6/2013 đăng ký thông tin cho 18.035 thuê bao sinh viên. Hàng loạt thuê bao có thông tin cá nhân giống nhau được đăng ký cùng ngày.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt các doanh nghiệp và đại lý gần 2 tỷ đồng, tịch thu gần 35.000 sim thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số này quá ít so với lợi nhuận khổng lổ mang về từ các chiêu lách luật kể trên.
Để hạn chế vi phạm, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Công an khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh thư nhân dân thống nhất trong cả nước, giúp việc quản lý thuê bao trả trước chặt chẽ hơn.
Theo kết quả thanh tra, việc hoàn trả tiền cho thuê bao bị thu cước từ các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp không được thực hiện triệt để. MobiFone phải hoàn trả 816.756.400 đồng cho người sử dụng, nhưng đến nay vẫn còn 227.628.270 đồng. VinaPhone phải hoàn trả 692.711.560 đồng, nhưng vẫn còn 76.875.860 đồng. Nguyên nhân là do các thuê bao đã rời mạng.
Theo Nguyễn Hoài