MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập nhèm thời trang “Made in Vietnam”

30-08-2014 - 11:00 AM |

Lợi dụng tâm lý “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, một số cửa hàng đã treo biển “Made in Vietnam” nhưng trà trộn hàng không rõ nguồn gốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Nguồn gốc không rõ ràng

Thời gian qua, một loạt thông tin về sản phẩm may mặc Trung Quốc có chứa chất gây hại đến sức khỏe được đăng tải như: quần bò Trung Quốc chứa chất gây bệnh phổi; quần áo Trung Quốc chứa chất amine gây ung thư, kích ứng da; áo lót Trung Quốc có chất lạ gây hại… đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Đây cũng là lý do mà người tiêu dùng đã quan tâm hơn tới chất lượng và xuất xứ hàng hóa.

Dạo quanh thị trường Hà Nội, con phố nào cũng có ít nhất một cửa hàng bán đồ thời trang XK được gắn biển “Made in Vietnam”. Trong các cửa hàng này, các mặt hàng mang thương hiệu nổi tiếng thế giới như Mango, H&M, Gap, Zara, Lacoste,… được bày bán tràn lan với giá thành chưa đến 1 triệu đồng/chiếc khiến nhiều người nghi ngờ về nguồn gốc thật sự của các sản phẩm này. Theo lời của những người bán hàng, các mặt hàng này là hàng XK thừa, hàng bị lỗi, hàng tồn kho thậm chí là hàng ăn trộm từ kiện hàng XK… của các DN may mặc trong nước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hàng được gắn mác “Made in Vietnam” có rất nhiều loại. Bên cạnh những mặt hàng chính hãng còn có những loại là sản phẩm gia công trong nước, hàng XK lỗi mốt, hàng NK từ Trung Quốc nhưng bị thay đổi nhãn mác, thương hiệu…

Hay ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, trên phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), nhãn mác từ các thương hiệu nổi tiếng cho đến nhãn mác hàng “Made in Vietnam”, hàng sản xuất trong nước được bày bán công khai. Với khoảng 250.000 đồng/cọc 200 chiếc là nhiều chủ cửa hàng thời trang đã có thể dễ dàng “phù phép” sản phẩm của mình thành hàng “Made in Vietnam”. Đây chính là kẽ hở để hàng giả, hàng nhái dễ dàng trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng.

Cùng với sự nhập nhèm về nguồn gốc, nhiều cửa hàng còn có sự chênh lệch về giá nhằm thu lời nhiều hơn từ sự thiếu hiểu biết của người mua. “Cùng cái áo đấy mà tôi xem ở một cửa hàng trên phố Kim Mã thấy đề giá 350.000 đồng, ở một cửa hàng khác trên Chùa Bộc lại đề 280.000 đồng. Không chỉ thế, nhiều lần tôi vào các cửa hàng “Made in Vietnam” thấy quần áo của thương hiệu nổi tiếng mà gắn mác rất sơ sài nhưng chủ cửa hàng cứ khẳng định là hàng Việt Nam XK. Tôi thấy nghi ngờ nên không dám mua”, chị Trần Vân Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết.

Khó quản lý

Sự nhập nhèm của các mặt hàng thời trang với nguồn gốc “Made in Vietnam” đã không còn là điều mới mẻ. Mặc dù vậy, phía người tiêu dùng vẫn còn rất chủ quan, chưa tìm hiểu rõ và đúng cách thức phân biệt hàng thật và hàng nhái. Vậy nên, nếu khách hàng chỉ chú ý đến dòng chữ “Made in Vietnam” trên mác sản phẩm thì sẽ mắc phải chiêu trò lừa đảo tinh vi của người bán hàng. Hơn nữa, điều đáng quan tâm là chất lượng các sản phẩm thời trang này, vì nếu là hàng gia công hoặc NK từ Trung Quốc rất có thể trên sản phẩm còn tồn dư những hóa chất trong quá trình dệt nhuộm, gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài.

Trong một cuộc hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết, hiện lượng hàng giả và hàng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ có nguồn gốc từ nước ngoài chiếm khoảng 60-65%, hàng sản xuất trong nước chỉ khoảng 35-40%. Hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi. Không chỉ sản xuất gia công trong nước, nhiều đối tượng còn đặt hàng ở nước ngoài đưa về Việt Nam và gắn nguồn gốc xuất xứ “Made in Việt Nam”.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội), hàng giả, hàng nhái hàng mang danh “Made in Vietnam” đã bị kiểm tra, thu giữ rất nhiều nhưng để giải quyết dứt điểm thì cần một thời gian dài nữa. Hiện nay, các đội QLTT vẫn tăng cường kiểm tra xử lý, tích cực tiến hành kêu gọi, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh không buôn bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, công tác quản lý mặt hàng này vẫn chưa nhận được nhiều sự hợp tác từ phía DN, chủ sở hữu nhãn hàng, chủ yếu vẫn do người dân tố giác hoặc Đội tự kiểm tra và xử lý.

Lựa chọn thông thái

Từ những thực trạng trên cho thấy, hãy là người tiêu dùng thông thái để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khi mua hàng, người tiêu dùng nên lưu ý lựa chọn những cửa hàng có uy tín, xem xét thật kỹ nhãn mác, từng đường may của sản phẩm. Đặc biệt, nếu phát hiện cửa hàng bán sản phẩm làm giả, làm nhái thương hiệu của các DN có tên tuổi, người tiêu dùng có quyền thông tin đến các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Nói rõ hơn về hàng thời trang “Made in Vietnam” trên thị trường, đại diện một công ty thời trang XK cho biết, hàng thời trang XK chính hãng có số lượng rất ít, size thường to, nhãn mác đầy đủ với chất liệu tốt, đường kim mũi chỉ sắc nét, cầu kỳ. Còn nếu là hàng gia công thì có thể là hàng dùng các nguyên liệu để sản xuất hàng XK nhưng để phục vụ bán trong nước. 

Loại này nếu được gia công cẩn thận sẽ có chất lượng tương đương hàng chính hãng, chỉ có một vài chi tiết bị thay thế như cúc, khóa, nhãn mác, vải lót… Còn nếu là hàng giả, hàng nhái, hàng NK từ Trung Quốc thì chất lượng sẽ không khác gì hàng chợ với đường may ẩu, nhãn mác thô sơ. Nhưng dấu hiệu này, nếu người tiêu dùng tinh ý đều có thể nhận thấy được.

Bất chấp quần áo nhặt từ bãi rác, hàng "second-hand" siêu rẻ vẫn hút khách



Theo Hương Dịu

 

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên