Ồ ạt xả hàng cuối năm: Cẩn trọng kẻo mua hớ
Có rất nhiều nơi xả hàng lại “treo đầu dê, bán thịt chó” hoặc xả rồi mà giá vẫn như chưa xả khiến người tiêu dùng bị “tung hỏa mù”.
Càng giáp Tết, xả hàng giá sốc lại càng nở rộ ở Hà Nội. Các băng rôn quảng cáo “xả hàng 50%”, thậm chí có nơi treo biển hạ giá 60-70%, “thanh lý cửa hàng”, “giảm giá sốc”, “giá rẻ như cho” treo nhan nhản trên đường phố. Đồ điện tử, điện lạnh, chăn ga gối đệm… cũng đua nhau treo biển hạ giá sốc. Quả là bắt mắt, hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng khi nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao. Nhưng có rất nhiều nơi xả hàng lại “treo đầu dê, bán thịt chó” hoặc xả rồi mà giá vẫn như chưa xả khiến người tiêu dùng bị “tung hỏa mù”.
Treo đầu dê, bán thịt chó
Tấm băng rôn “Giảm giá 50%” treo khá bắt mắt trước một cửa hàng bán hàng hiệu Triumph trên phố Hai Bà Trưng đã thu hút khá nhiều chị em dừng lại. Lạc vào hàng thời trang này, tìm mỏi mắt người mua mới thấy chỗ để hàng giảm giá. Đều là hàng đã lỗi mốt, hết site nên mới hạ giá. Còn các đồ khác, giá vẫn giữ nguyên.
Nhiều người bước vào lại đi ra và thở dài thườn thượt. Chị Hà Anh, ở phường Dịch Vọng Hậu chưng hửng cho biết: “Nhìn tấm biển treo bên ngoài, nhiều người rất dễ nhầm lẫn. Chỉ có vài mẫu giảm giá thôi, đi lại mất công quá”.
Tương tự, một cửa hàng thời trang đồ ngủ các thương hiệu như Winny, Paltal nằm cuối phố Đội Cấn cũng treo biển giảm giá rất bắt mắt “giảm 30-50%”. Tuy nhiên, khi bước vào, chúng tôi được cô nhân viên chỉ vào “chỗ giảm giá” vẻn vẹn có vài bộ quần áo là những mẫu mã của 2 năm về trước và hàng hè đã nhuốm bụi vì để lâu.
Còn lại các mặt hàng khác, giá vẫn không hề thay đổi. Dọc tuyến phố Đội Cấn có rất nhiều cửa hàng treo biển giảm giá, có nơi còn treo “mua 2 tặng 1” hoặc “thanh lý đồng giá, từ 100.000 đến 150.000đ”. Hàng hóa ê hề, treo, đổ đống và cắm biển “đại hạ giá” để thu hút người mua.
Dọc tuyến phố Thái Hà, hàng giảm giá cũng nhan nhản. Cuộc xả hàng trở thành cạnh tranh giữa các cửa hàng với nhau. Nhà nào cũng cố treo tấm biển “giảm giá” rõ to để thu hút khách. Không những thế, có cửa hàng còn mở nhạc ầm ĩ để thu hút sự chú ý. Chọn một cửa hàng thời trang tương đối lớn đang xả hàng, chúng tôi bước vào và cũng chưng hửng khi hàng xả rất ít, chủ yếu là quần áo mùa thu, còn những chiếc áo khoác ấm, bắt mắt của mùa đông lại không giảm giá.
Cuối năm, xả hàng tồn, mẫu mã cũ để nhập hàng mới đã trở thành thông lệ trên thị trường. Nhưng việc giảm giá, khuyến mại có tuân theo quy định và có sự kiểm tra, kiểm soát hay không mới là điều đáng bàn. Sự nhộn nhạo trong việc giảm giá, khuyến mại ồ ạt trên thị trường hiện nay đã khiến cho nhiều nơi “treo đầu dê, bán thịt chó”, gây bực bội cho người tiêu dùng, thậm chí là nhầm lẫn khiến khách hàng bỏ tiền mua đồ khuyến mại hóa ra lại bị đắt.
Cẩn trọng kẻo bị mua hớ
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, hàng hóa khuyến mại cuối năm không chỉ có ở bên ngoài mà ngay tại các siêu thị cũng có rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại, thậm chí là “xả hàng”. Trong dịp Tết này, riêng Big C đã tung ra một chương trình khuyến mại “khủng” với 600 mặt hàng giảm giá.
Hay Metro Thăng Long cũng khuyến mại kiểu “bán quần áo theo cân”. Tại các siêu thị điện máy, cuộc đua giảm giá diễn ra rất phong phú. Siêu thị điện máy HC Phạm Văn Đồng, giảm giá bằng quà tặng hoặc giảm trực tiếp vào mặt hàng với nhiều loại điều hòa, quạt, tivi, tủ lạnh, máy giặt. Những mặt hàng mùa đông cần thiết như máy sưởi, đèn sưởi…lại không giảm giá.
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn, cứ thấy treo biển giảm giá, hạ giá là ào vào mua mà không biết được giá trị thật của mặt hàng đó thế nào. Ví như chiếc tủ lạnh treo biển 7,8 triệu đồng, họ gạch giá đó đi, điền giảm giá còn 6,8 triệu. Người tiêu dùng chỉ nhìn vào con số được giảm 1 triệu đồng là thấy hời nên mua chứ không quan tâm giá gốc 7,8 triệu mà người kinh doanh đề ra có đúng bản chất hay chưa. “Do vậy rất dễ bị mua hớ, mua đắt mà không biết” - ông Phú cho biết.
Trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp giảm giá, khuyến mại, xả hàng là của Sở Công thương. Nhưng hiện nay việc giảm giá, khuyến mại mọc lên như “nấm sau mưa” nên việc kiểm tra, quản lý không bao quát hết được. Do vậy, nhiều cửa hàng cứ mặc nhiên xả hàng mà không phải xin phép. Và việc “nâng giá lên rồi giảm giá” tung hỏa mù cho khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên.
Ông Phú cảnh báo: “Khi mua hàng giảm giá thì người tiêu dùng phải khảo giá ở nơi khác, lựa chọn hàng đúng chất lượng, nếu không rất dễ bị mua hớ, dễ bị lừa”
Theo Trần Hằng