MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phục hồi niềm tin vào sữa cho trẻ sơ sinh?

09-08-2013 - 09:00 AM |

Vụ scandal nguyên liệu whey của Fonterra nhiễm khuẩn đã làm cho giá sữa, theo Reuters, lần đầu tiên giảm 2,4% trong vòng hai tháng qua, xuống còn khoảng 102.000đồng/kg đã không làm cho các bà mẹ có con nhỏ vui lên.

Bà Lê Anh Đào, còn một hai ngày nữa vượt cạn đứa con thứ hai, nghe tin sữa trẻ sơ sinh (infant formula) có nhiễm khuẩn Clostridium botulinum, trở nên hoang mang không biết chọn sữa gì cho con, phải sai chồng vất vả chạy đi tham khảo thông tin khắp nơi.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, đang mang thai đứa con thứ hai được bốn tháng, cũng như chị Đào, hoang mang bởi thấy ông Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế cho biết “Chúng ta nên tin các hãng sữa lớn, cục chỉ tiến hành xét nghiệm các mẫu đã được cảnh báo còn không thể làm tất cả”.

Yêu cầu Fonterra đính chính!

Một số hãng sữa không lấy nguyên liệu của Fonterra cũng bị ảnh hưởng lớn khi niềm tin của người tiêu dùng chao đảo đối với sữa formula.

Theo các doanh nghiệp sữa nội, những ngày qua thông tin sữa ngoại bị nghi nhiễm khuẩn do có sử dụng nguyên liệu whey protein trong một số lô hàng của Fonterra (New Zealand) đã ảnh hưởng đến toàn thị trường sữa chứ không riêng gì các sản phẩm sữa của Abbott và Dumex. Tâm lý chung của người tiêu dùng là khá hoang mang, họ không biết chọn sản phẩm nào cho an toàn, cảnh này y hệt như vụ sữa nhiễm melamine cách đây không lâu.

Bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại Vinamilk khẳng định, sở dĩ có tình trạng này, là do cách thông tin lập lờ, không rõ ràng của tập đoàn Fonterra. Bởi nếu ngay từ đầu, tập đoàn này công bố chính xác việc họ chỉ sử dụng nguyên liệu whey protein để gia công cho một số lô sữa của Abbott và Dumex chứ không xuất nguyên liệu cho bất kỳ doanh nghiệp nào khác thì mọi chuyện đã quá rõ ràng, không gây hiểu lầm cho cả thị trường.

“Fonterra chỉ nói chung chung là nguyên liệu nghi nhiễm độc mà họ sản xuất có trong sản phẩm sữa được xuất khẩu vào tám nước, trong đó có Việt Nam chứ không nói cụ thể thương hiệu, doanh nghiệp nào liên quan”, bà Hương giải thích. Chính vì thông tin mập mờ này nên theo bà Hương, không chỉ thị trường nội địa bị ảnh hưởng mà nhiều khách hàng nhập khẩu sản phẩm sữa của Vinamilk ở nước ngoài cũng yêu cầu công ty phải giải thích rõ vấn đề này. 

“Ngay trong ngày 8.8, Vinamilk đã gửi email yêu cầu tập đoàn Fonterra phải trả lời chính thức bằng văn bản xác nhận bốn nội dung, gồm việc không bán sản phẩm có nguyên liệu whey protein nhiễm khuẩn cũng như nhiều năm nay không bán sữa whey protein cho Vinamilk; xác nhận các nguyên liệu khác của tập đoàn này xuất đi cho khách hàng đều đạt chất lượng, an toàn và xác nhận lô nguyên liệu bị nghi nhiễm khuẩn chỉ được làm gia công cho một số sản phẩm của Abbott và Dumex”, bà Hương cho biết thêm.

Sao cho khách quan?

Để chứng minh doanh nghiệp hoàn toàn không nhập bất kỳ sản phẩm sữa nào của tập đoàn Fonterra, bà Hương cho biết đã gửi văn bản yêu cầu cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan hải quan – nơi tiếp nhận hàng hoá nhập khẩu phối hợp, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của từng doanh nghiệp trong ngành sữa.

Theo bà, đây mới là cách làm khách quan nhất, qua đó có thể biết rõ công ty nào ở Việt Nam đã nhập sản phẩm sữa nhiễm khuẩn của Fonterra cũng như nguyên liệu whey protein của tập đoàn này. Còn nếu cứ để cho doanh nghiệp báo cáo, bà Hương e ngại có khi sẽ không chính xác vì doanh nghiệp thường ém thông tin. Ngoài ra, trong văn bản gửi đi, Vinamilk cũng yêu cầu cục phải sớm công bố thông tin doanh nghiệp nào có liên quan để người tiêu dùng biết, qua đó đưa ra lựa chọn chính xác nên mua sản phẩm nào cho an toàn.

Trong khi đó, về phía Nhà nước New Zealand, bộ trưởng Phát triển kinh tế Stephen Joyce cho biết khoảng 90% sản phẩm nhiễm độc đã được tìm thấy và các quan chức bộ Công nghiệp chủ chốt (MPI) đã dùng ghi chép theo dấu các sản phẩm của Fonterra để xác định số sản phẩm còn lại vào chiều 7.8.

Thái Lan nhanh chóng tạo lại niềm tin vào sữa

Khác với Việt Nam, cơ quan Thực dược Thái Lan đã nhanh chóng ổn định niềm tin của người tiêu dùng trong nước khi yêu cầu toàn bộ các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa phải báo cáo chi tiết về nguyên liệu nhập khẩu và các kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm chứng minh sản phẩm tiêu thụ an toàn. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng thu thập tất cả các mẫu sữa trên thị trường để đưa về làm xét nghiệm. Hãng sữa Dumex đã thu hồi xong các nhãn hàng sữa có nghi ngờ trên các kệ hàng.

Chủ tịch hội đồng y tế Thái khuyến cáo dù chưa có trường hợp ngộ độc gây ra do khuẩn clostridium botulinum nào được báo cáo, nhưng các cha mẹ trẻ em dưới một tuổi phải lưu ý kiểm tra cơ mặt và cơ nuốt của các em bé đang dùng sữa formula. Nếu phát hiện nghi ngờ, đưa con đi khám bệnh ngay.


Sữa chưa được cấp phép vẫn bán trên mạng

Nhiều trang web chuyên bán sữa nhập khẩu trên mạng vẫn vô tư giới thiệu và bán các loại sữa chưa được cấp phép, hoặc có khả năng bị nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như shopsocquay, bibikids, irisnguyen… đều có bán sữa Karicare các số 1, 2, 3 với giá bán từ 465.000 – 565.000 đồng/hộp. Được biết, sữa Karicare do công ty Nutricia – New Zealand sản xuất vẫn chưa được cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam. Đa phần các trang web bán sữa ngoại tại Việt Nam đều có địa chỉ tại Hà Nội.

Nguyệt Minh

Theo Hoàng Bảy – Các Ngọc

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

Trở lên trên