MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý giá sữa thời gian qua: Thiếu vai trò tổng quản

06-10-2013 - 19:28 PM |

Thời gian qua, giá sữa cho trẻ em tăng cao và lãi suất cực lớn. Trong khi đó, “giải pháp ấn tượng” nhất của các Bộ liên quan là đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang nhau.

Bộ Tài chính cho rằng, đó là do Bộ Y tế thay đổi tên gọi của sữa, dẫn đến các doanh nghiệp né kê khai sữa để không bị Bộ Tài chính quản lý về giá. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại cho rằng, trước khi “đặt lại tên” cho sữa, giá sữa đã liên tục tăng nhiều năm và là vấn đề lớn của xã hội. Để làm rõ vai trò cũng như trách nhiệm của từng Bộ trong vấn đề giá sữa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong.

PV: Thưa ông, trong vấn đề giá sữa “nóng” lên thời gian qua, Chính phủ đã đánh giá là do quản lý không tốt. Theo ông, trách nhiệm chính của sự việc này thuộc về Bộ nào trong các Bộ liên quan: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương?

TS. Nguyễn Minh Phong: Luật phân nhiệm đã tạo ra sự bùng nhùng trong quản lý sữa, vừa chồng chéo lại vừa có khoảng trống. Bởi chúng ta đang bị nặng về tên gọi. Việc chỉ ra một cái tên cứng nhắc sẽ tạo ra khe hở cho người ta lách để thoát khỏi cái tên đó và như vậy là thoát khỏi sự kiềm tỏa của cơ quan quản lý giá. Nếu ai đó đẩy quá trách nhiệm về Bộ Y tế thì sẽ gây nên tình huống là, Bộ Y tế phải là ngành đi kiểm soát thị trường, nhưng thực tế Bộ Y tế chỉ kiểm soát về mặt chất lượng, không phải là người quản lý thị trường.

Do đó, tôi cho rằng, ở đây vai trò và trách nhiệm của Bộ Công Thương là chính. Bởi vì, theo phân cấp hiện hành, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý thị trường theo Luật Cạnh tranh. Mà bản chất ở đây là vấn đề về cạnh tranh và độc quyền chứ không phải là chất lượng, hàm lượng sữa. Nói cách khác, dù là sữa hay không là sữa, nhưng khi anh nhập 1 bán cao gấp nhiều lần, trong khi thị trường không ai nhảy vào cạnh tranh được, thì rõ ràng là có dấu hiệu thao túng giá và phân chia thị trường để hưởng lợi nhuận độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh.

Thị trường trong và ngoài nước đều đang khó tìm cơ hội kinh doanh có lãi, trong khi lợi nhuận kinh doanh sữa cao vọt mà không ai, không doanh nghiệp nào khác nhảy được vào cạnh tranh như thông lệ, thì thử hỏi có bình thường không và liệu có ai “gác cửa”, có hàng rào hay có khe hở luật định nào không? Ai dám chắc ở đây không hề có dấu hiệu của lợi ích nhóm, của độc quyền, của làm giá, của thao túng thị trường và vi phạm Luật Cạnh tranh mà không ai chịu trách nhiệm…?

PV: Theo ông, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công Thương như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Bộ Công Thương đã không hề phát hiện ra dấu hiệu nào vi phạm Luật Cạnh tranh trong kinh doanh sản phẩm sữa. Xét về kinh doanh hàng hóa, dù hàng gì, mà là sản phẩm Nhà nước không quản lý giá, thì phải cạnh tranh, vậy mà ở đây dường như không có dấu hiệu cạnh tranh quyết liệt như thường thấy trong kinh tế thị trường; giá sữa rất thống nhất ở mức cao và dường như chỉ có một chiều lên, mà không có xuống, kiểu như giá điện vậy.

Có rất nhiều hãng sữa, nhà nước không độc quyền xuất nhập khẩu, vậy mà vẫn tạo ra chênh lệch giá rất cao; rõ ràng là có dấu hiệu không bình thường trên thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh. Độc quyền nhà nước không có, thì rõ ràng ở đây có độc quyền tư nhân. Bộ Công Thương là cơ quan trực tiếp giám sát thị trường theo tinh thần Luật Cạnh tranh lại không quản lý được, thì đương nhiên, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.

PV: Ông vừa nói, khâu luật định của chúng ta hiện cũng có lỗi?

TS. Nguyễn Minh Phong: Luật của chúng ta đang có thiếu sót, như kiểu trên mặt nước do một Bộ quản lý, dưới mặt nước lại thuộc một bộ khác, là không hợp lý, vì sẽ tạo kẽ hở để cho người ta có thể “lách” được. Tình trạng này đang tồn tại trong qui định về giá, trường hợp sữa 5 tuổi thì Bộ Công Thương, 8 tuổi thì Bộ Y tế, như thế dễ tạo ra cơ chế “ăn chia” hoặc khoảng trống, kẽ hở cho hiện tượng lách luật như đã, đang và sẽ thấy, tạo tình huống đan xen, xung đột các lợi ích, thậm chí dễ bị mua chuộc, chia nhau.

Vì vậy, tốt nhất, nên điều chỉnh để chỉ có một cơ quan quản lý giá và gắn với quản lý cạnh tranh, chịu trách nhiệm cao nhất và duy nhất về vấn đề độc quyền thị trường. Người đứng đầu cơ quan đó chịu trách nhiệm cá nhân trực tiếp.

PV: Trong thực tế vừa qua: Bộ Tài chính cho rằng vì Bộ Y tế thay đổi tên gọi của sữa nên không thể quản lý giá được. Bộ Y tế đã có công văn giải thích, nhưng Bộ Tài chính cho rằng không có chữ “sữa” nên không thể đưa vào bình ổn giá. Vậy Bộ Tài chính có trách nhiệm với giá sữa tăng cao hay không?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đó chính là bất cập trong định nghĩa các khái niệm ở các bộ luật của chúng ta, khi bị nặng về câu chữ, hạn chế trong hình dung các kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng bằng việc điều chỉnh tên gọi, từ đó thoát khỏi sự điều chỉnh của cơ quan quản lý. Về chuyện này tôi cho rằng, ngay trong Luật Giá phải có định nghĩa về sữa. 

Không nên khẳng định sản phẩm này là sữa hay không là sữa, mà khẳng định các sản phẩm có nội hàm bên trong là sữa với tỉ lệ nào đó thì nằm trong diện là sữa, các Bộ sẽ dễ phân nhiệm hơn. Ở đây phải chú ý đến tính chất có sữa, chứ không phải ở hàm lượng sữa, sẽ giảm thiểu được tình trạng lách luật. Hơn nữa, bản chất vấn đề ở đây là cạnh tranh và độc quyền, chứ không phải là sữa hay không sữa. Đừng để quản lý nhà nước theo kiểu “đười ươi giữ ống” đã được nhắc nhiều trong quá khứ.

PV: Nhưng hậu quả xã hội là không thể phủ nhận khi theo Bộ Tài chính, không một doanh nghiệp nào đăng ký sản phẩm là sữa từ tháng 4/2013 nữa, sau khi Bộ Y tế sửa lại tên gọi?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đó là kẽ hở quản lý của nước mình, thể hiện sự bất cập về xây dựng luật, thực hành luật và áp chế luật, cả cơ chế tổ chức phối hợp. Không phải vô cớ mà vừa qua Chính phủ đã chính thức triển khai Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô (ban hành theo Quyết định 1317/QĐ-TTg ngày 6/8) đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các Bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả và các chính sách khác liên quan;

Theo đó, cần phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

PV: Theo ông, giải pháp nào để có thể giải quyết được sự bùng nhùng trong quản lý giá sữa hiện nay?

TS. Nguyễn Minh Phong: Hãy đưa ra một khái niệm rộng hơn, mềm dẻo và bao quát chặt chẽ hơn. Bản chất của những dòng sản phẩm là hàm lượng chứ không phải là tên gọi. Cho nên điều chỉnh lại tên gọi, danh mục sao cho bao quát được các đối tượng mà nó cần bao quát, để từ đó, qui định trách nhiệm về đúng Luật Cạnh tranh. Cần quy định phân nhiệm lại mặt hàng nhạy cảm này: chất lượng là do Bộ Y tế quản lý, còn lại là Bộ Công Thương. Còn danh mục hàng hóa phải có sự thống nhất giữa 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Đặc biệt việc đặt tên phải do Bộ Công Thương qui chiếu vào các cam kết quốc tế, các phân nhóm các dòng hàng để tạo sự thống nhất. Tránh hiện tượng cùng một sản phẩm ở nước này thì tên này, còn vào Việt Nam lại tên khác, do cơ chế chúng ta bị lỏng. Đặc biệt, tránh trường hợp chỉ cần “lách” nhẹ là người ta có thể đổ lỗi cho nhau và không có ai chịu trách nhiệm, chỉ có các bà mẹ và trẻ em là thiệt thòi khiến cho tình hình bất cập xảy ra như hiện nay: các ngành hàng khác thì lãi rất thấp và cạnh tranh rất mạnh mẽ, riêng sữa lãi rất cao lại không có cạnh tranh

PV: Vấn đề ở đây là cần tìm ngay ra một cơ chế để xử lý vướng mắc đó. Theo ông, đó là gì?

TS. Nguyễn Minh Phong: Trong trường hợp này, Chính phủ phải chủ trì một cuộc họp liên ngành để 3 Bộ ngồi lại với nhau theo kiểu “ba mặt một lời”, thống nhất những gì bất cập đưa hết ra để cùng xử lý, quyết định và đưa vào văn bản pháp chế. Không thể để mãi tình trạng công văn đi, công văn lại như vừa qua, vì không tiếp thu cũng chẳng sao và cũng không có người xử lý. Theo tôi, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế phải làm việc với 3 bộ, thống nhất về định danh, về phân cấp, trách nhiệm, cơ chế và trách nhiệm xử lý và chế tài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Hằng

khanhnt

Công an nhân dân

Trở lên trên