Rước bực vào người vì thẻ VIP
Quyền lợi mà khách hàng được hưởng như phiếu quà tặng, chiết khấu từ 2 -5%/tổng giá trị mua hàng đều đã được trích ra từ tổng số tiền khách mua từ chục triệu đồng/năm trở lên.
- 08-06-2013Mua “hàng hiệu” rước bực mình
- 25-05-2013Chiêu trò khuyến mại kiểu “che mắt” người tiêu dùng
Có thẻ khách hàng VIP của một nhãn hàng thời trang nhưng chỉ sau ba tháng không mua đồ ở đó, anh Hạnh đã bị tước hết mọi quyền lợi. Vì không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, anh ấm ức vì như rước thêm bực bội vào người.
Giá chẳng hề rẻ hơn
Trả tiền hoá đơn tại cửa hàng thời trang này trên phố Bà Triệu với chiếc thẻ VIP trong tay, anh Hạnh (Trưởng phòng kinh doanh một công ty ở quận Hai Bà Trung, Hà Nội) ngã ngửa khi nhân viên bán hàng thông báo thẻ không còn hạn sử dụng. Lý do, đã quá 3 tháng không có phát sinh giao dịch. Hóa ra, dạo này anh đi công tác liên tục và do bận việc gia đình, anh không còn thời gian để mua sắm.
Để có được chiếc thẻ VIP với giá ưu đãi giảm 3%, anh Hạnh đã mua của nhãn hàng thời trang này rất nhiều, tổng số lên tới 10 triệu đồng. Điều anh bức xúc nhất là đã không được tư vấn khi dùng thẻ, cũng không được cảnh báo nếu thời gian dài thẻ không có phát sinh giao dịch sẽ bị tước quyền khách VIP. “Nhãn hiệu thời trang này có nhiều loại thẻ từ khách hàng thường xuyên, tới vàng và VIP. Ai mua nhiều được tặng thẻ, nhưng cũng không hề có nội quy hay hướng dẫn gì cả”, anh Hạnh nói.
Cũng là một người có thẻ vàng của nhiều trung tâm mua sắm, anh Nguyễn Minh Đức (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, các loại thẻ kể cả VIP cũng chỉ mang tính hình thức, bởi giá trị và quyền lợi của thẻ so với khách hàng thông thường không hơn là mấy. Trong khi đó, để đạt được từ cấp độ thẻ thành viên lên Vàng, Diamond hay VIP là cả một quá trình dài và tốn không ít tiền của.
Anh Đức dẫn chứng, để có được thẻ vàng của một trung tâm điện máy, anh đã phải tích lũy mua sắm ở đây tổng cộng 30 triệu đồng. Trong khi đó, quyền lợi anh được hưởng trên thẻ chỉ là giảm 2% khi mua hàng, đặc biệt lại chỉ áp dụng với những mặt hàng có chương trình khuyến mại. Để đạt lên cấp VIP, doanh số mua hàng của anh phải lên tới hơn 100 triệu đồng. Chủ thẻ sẽ được giảm giá tới 3% khi mua những loại mặt hàng trong chương trình ưu đãi.
“Nếu là một cá nhân mua sắm cho gia đình thì khó có thể đạt được những cấp độ cao hơn, các chủ thẻ cũng không được ưu đãi nhiều. Mình mua nhiều họ cho cái thẻ đó, chứ cũng chẳng bao giờ dùng, vì lợi ích chẳng đáng là bao”, anh Đức nhận xét.
Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang đều có loại hình thẻ khách hàng. Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều người tiêu dùng cho rằng, họ không quan tâm tới việc sử dụng các loại thẻ này bởi giá trị sử dụng không đáng là bao. Đơn cử, tại một siêu thị, khách hàng có thẻ chỉ được giảm giá từ 5-10% giá trị một số mặt hàng. Ngay cả khi đã khuyến mãi, nhiều sản phẩm trong siêu thị giá vẫn đắt hơn chợ.
Quyền lợi mà khách hàng được hưởng như phiếu quà tặng, chiết khấu từ 2 -5%/tổng giá trị mua hàng đều đã được trích ra từ tổng số tiền khách mua từ chục triệu đồng/năm trở lên. Chính vì thế, người tiêu dùng chưa hẳn đã nhận được những ưu đãi thực sự.
Đỏ mặt vì là khách
VIP
Không chỉ ít quyền lợi mà sự ràng buộc có điều kiện của các thẻ VIP này khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy bực mình. Chị Lưu Thu Hương (nhân viên kinh doanh công ty địa ốc ở Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội) phàn nàn: “Trước mình mua tới gần 10 triệu đồng quần áo thời trang ở trung tâm thương mại. Nhân viên bán hàng xin mình thông tin cá nhân, số điện thoại để làm thẻ VIP, rồi còn dặn sinh nhật sẽ có người chúc mừng gửi quà. Qua đến mấy cái sinh nhật rồi cũng không thấy tăm hơi đâu”.
Chị Hương còn chưa quên trước đây đã phải đỏ mặt khi dùng thẻ VIP của một nhà mạng điện thoại di động tại sân bay. Trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM, chị sử dụng thẻ VIP để hưởng dịch vụ phòng chờ hạng thương gia. Khi vào phòng chờ, chị bị nhân viên mời ra ngoài. Sau đó, liên hệ với nhà mạng, chị mới được giải thích là chương trình tạm ngừng một thời gian ngắn. “Lúc đó tôi vừa ngượng vừa bực mình, nghĩ bụng thà không có thẻ VIP còn hơn”, chị Hương cho hay.
Là một khách quen thường xuyên của một nhà hàng ở Trần Duy Hưng - Hà Nội, anh Tuấn (sống tại Mỹ Đình) vừa được nhận 3 phiếu giảm giá từ chương trình ưu đãi của khách hàng có thẻ VIP. Cầm tờ coupon trên tay, anh Tuấn bỏ ngay vào thùng rác bởi điều kiện chỉ áp dụng cho những loại đồ uống có giá từ 2 triệu đồng trở lên, chưa kể nếu sử dụng phiếu quà tặng này thì không được sử dụng thẻ VIP giảm giá.
“Có thẻ VIP nhưng không đặt trước đến nhà hàng vẫn phải chờ đợi như thường, thậm chí là không còn phòng. Mình tiếp khách nhiều lần ở đó, họ quý thì cho cái thẻ VIP chứ mình chẳng mấy khi dùng, nhân viên quen thì hỏi thể để tích điểm, còn không thì thôi, đưa cái thẻ VIP ra cho mất thời gian”, anh Tuấn phàn nàn.
Phụ trách marketing của một công ty, chị Nguyễn Thanh Nga chia sẻ, thẻ chăm sóc khách hàng, thẻ VIP là một hình thức để quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp đồng thời kết nối khách hàng. Tuy nhiên, nếu các đơn vị cung cấp chỉ làm mang tính hình thức sẽ có tác dụng ngược lại, khiến khách hàng không hài lòng. Về phía khách hàng, chị Nga cho rằng, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng các loại thẻ, nếu không chỉ rước thêm bực bội vào người.
Theo Duy Anh