MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp phán quyết nghi án sữa ngoại “luộc” dân Việt?

23-09-2013 - 10:38 AM |

Khai báo hải quan chỉ 80-100 nghìn đồng/hộp, nhưng đến tay người tiêu dùng, giá sản phẩm “leo” tới 400 – 900 nghìn đồng/hộp. Người tiêu dùng Việt Nam bị các hãng sữa ngoại “luộc” quá đáng hay còn uẩn khúc gì phía sau?

Theo bảng thống kê giá một số sản phẩm sữa bột nhập khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp, mức giá nhập khẩu chỉ từ 4-5 USD/hộp (khoảng 80.000- 100.000 đồng), trong khi đó giá bán lẻ trên thị trường lên tới 400.000-900.000 đồng, gấp 5-7 lần giá nhập khẩu.

Thông tin được công bố không lâu sau khi quy định về việc bình ổn giá sữa bị “rút gọn”, chỉ còn hiệu lực áp dụng đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này, Bộ Y tế nói rằng, tất cả đều làm theo luật. Theo đó, việc bộ này “phân nhóm sản phẩm” hồi cuối tháng 3/2013 là thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, “để hòa nhập với quốc tế” và “làm căn cứ cho việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng loại sản phẩm”.

Kết quả chấp hành pháp luật của Bộ Y tế là, sản phẩm làm từ sữa như người dân vẫn gọi nay được phân làm các nhóm: các sản phẩm sữa dạng bột; sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ đến 12 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi.

Nhiều sản phẩm sữa phút chốc được “đổi tên”. Tuy vậy, giải trình với Thủ tướng, Bộ Y tế vẫn cho rằng, phân nhóm thì phân nhóm nhưng sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đều thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý giá. Việc Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật với sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ và áp dụng từ giữa năm 2013 không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm.

Bằng lý lẽ như vậy, thế là Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ “xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện quản lý bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với những sản phẩm an toàn với giá hợp lý”.

Lập tức, Bộ Tài chính cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá mặt hàng sữa. Bộ này cho rằng,  theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 thì chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của nhà nước.

Việc Bộ Y tế ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, theo đó hầu hết các sản phẩm trước đây được ghi là sữa, thuộc danh mục bình ổn giá và đăng ký giá tại Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính thì đến nay đều mang tên mới là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... và không còn thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá.

Tường trình của Bộ Tài chính cho thấy, từ ngày 1/1/2013 đến tháng 4/2013 còn có một số công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (Cty TNHH Mead Johnson Nutrison Việt Nam; Cty TNHH phân phối Tiên Tiến, Cty TNHH Dinh Dưỡng 3A Việt Nam, Cty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Cty TNHH Nestle Vietnam) gửi thông báo giá bán sản phẩm đến Cục Quản lý giá, nhưng từ tháng 4/2013 đến nay, không thấy đơn vị nào gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh giá nữa. Mặt khác, qua báo cáo của 17/18 đơn vị kinh doanh sữa, không có sản phẩm nào mang tên sữa bột.

Trước tình hình như vậy, Bộ Tài chính xin kiến nghị Thủ tướng “giao Bộ Y tế chủ trì quản lý giá sữa” và nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Hai bộ đá bóng qua lại, bộ nào cũng nhấn mạnh quyền lợi trẻ em, nhưng sự thực thì đến nay bố mẹ trẻ em vẫn phải chấp nhận mua sữa với giá gấp 5-7 lần giá nhập khẩu. Hoặc các công ty sữa khai gian để trốn thuế nhập nhập khẩu hoặc họ đang “luộc” người tiêu dùng Việt Nam vô tội vạ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan báo cáo. Hy vọng sẽ có một phán quyết nghiêm minh.

Theo Mai Hoa

khanhnt

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên