MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau tổng kiểm tra vẫn tràn lan bún bẩn

04-09-2013 - 20:10 PM |

Có những địa phương dù có tới cả chục lò bún chui với công suất rất lớn nhưng chỉ báo danh sách cho sở duy nhất 1 lò bún có phép nên tình trạng quản lý ATVSTP trở nên khó kiểm soát.

Theo giới sản xuất bún, bánh phở, bánh canh… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có tới gần 400 cơ sở lớn nhỏ sản xuất các sản phẩm này. Nhưng qua đợt tổng kiểm tra với các cơ sở sản xuất bún, bánh phở trên địa bàn kéo dài từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8, báo cáo với UBND thành phố, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết toàn thành phố chỉ có 212 cơ sở.

Các đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra tại 250 lượt cơ sở; lấy 174 mẫu để kiểm tra các chất cấm sử dụng và đã phát hiện nhiều mẫu bún, bánh phở, bánh canh có chứa hóa chất. Lý giải về tình trạng không kiểm soát hết các lò bún chui này, một đại diện Sở Công thương cho biết, các sở, ngành chỉ kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất bún, bánh phở dựa trên danh sách đã cấp phép do quận gửi lên. Trong khi đó cấp phường, quận là đơn vị trực tiếp quản lý các cơ sở lại chưa kiểm soát được địa bàn.

Có những địa phương như quận 12 dù có tới cả chục lò bún chui với công suất rất lớn nhưng chỉ báo danh sách cho sở duy nhất 1 lò bún có phép. Vì vậy mới xảy ra tình trạng những lò bún hoạt động “chui” nhiều năm nhưng không hề bị các cơ quan chức năng kiểm tra. Càng lỏng lẻo hơn kể từ khi gom về một đầu mối quản lý là Sở Công thương, đến nay sở này mới chỉ cấp phép cho chừng 10 DN sản xuất bún tươi đạt chuẩn. Còn lại hầu hết là giấy phép cũ do quận cấp và nhiều nơi đã hết hạn.

Ngày 23/8 vừa qua, tại lò bún chui ở số 10/29/3 đường số 6, Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp do ông Trần Văn Thủy và bà Nguyễn Thị Hoa làm chủ đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Công thương; Sở Y tế và Phòng Kinh tế quận Gò Vấp cùng UBND phường 15 lập biên bản buộc ngừng hoạt động. 

Lý do, giấy phép hoạt động của cơ sở này đã hết hạn từ tháng 5/2013, thậm chí cơ sở này còn không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế; nơi sản xuất lại rất mất vệ sinh… nhưng vẫn hoạt động với công suất 5 tấn bún/ngày và đoàn kiểm tra vừa đi khỏi, lò bún này lập tức hoạt động trở lại. 

Một lò bún chui khác ở địa chỉ 156 đường TX14, khu phố 6, phường Thạnh Xuân, quận 12 được cơi nới sát bờ kênh nước đen xì vì ô nhiễm; hoạt động cả ngày lẫn đêm, cung cấp ra thị trường trung bình 6 - 7 tấn/ngày cũng đã bị đoàn kiểm tra đình chỉ hoạt động vào ngày 23-8 nhưng chủ lò bún này vẫn ngang nhiên hoạt động ngay khi đoàn vừa rút đi…

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Trưởng phòng Kinh tế quận 12, quận và phường cũng đã kết hợp đi kiểm tra nhưng chưa gặp được chủ cơ sở. Ít nhất cũng phải xuống được 3 lần xem có gặp được chủ lò bún hay không, sau đó sẽ có thư mời buộc họ phải lên làm việc. Hơn nữa, Sở Công thương đã ra quyết định đình chỉ thì sở này phải có quyết định cưỡng chế hoặc giao về cho quận để quận tổ chức cưỡng chế, khi đó quận sẽ thực hiện. 

Đơn cử như muốn cắt điện cũng gặp nhiều khó khăn, vì chỉ được quyền cắt nguồn điện riêng liên quan trực tiếp tới dây chuyền sản xuất bún chứ không thể cắt nguồn điện chung; gồm cả điện sản xuất và điện sinh hoạt…

Dù chủ lò bún chui ở phường 15, Gò Vấp sản xuất bún bẩn đem bỏ mối cạnh chợ Bà Chiểu, song đại diện Ban quản lý chợ này cũng lại chối bỏ trách nhiệm: Chợ chỉ quản lý các sạp trong khu vực nhà lồng, còn các sạp hoặc hộ kinh doanh bên ngoài, dọc những con đường xung quanh khu vực chợ do UBND phường 1, Bình Thạnh quản lý. Để lò bún chui hoạt động ồn ào cả ngày lẫn đêm đã phải xem xét trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở. Nhưng khi đã bị phát hiện, đình chỉ thì chính quyền phường, quận vẫn không kiên quyết giám sát việc đình chỉ, đổ vấy trách nhiệm cho nhau.

Với các cơ sở sản xuất bún, bánh phở có phép nhưng bị phát hiện chất cấm trong sản phẩm cũng vậy, Sở Công thương cũng chỉ phạt ở mức vài chục triệu đồng nên các chủ cơ sở vẫn không ngán ngại, tiếp tục sản xuất, đưa sản phẩm bẩn ra thị trường.

Theo Đ.Thắng

khanhnt

Công an nhân dân

Trở lên trên