MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường kiểm soát hàng lậu, hàng giả mùa cao điểm

19-12-2014 - 18:30 PM |

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 12 dương lịch đến thời điểm cuối năm âm lịch, tình hình thị trường hàng hóa sẽ rất sôi động do sức mua tăng mạnh. Đây cũng là cơ hội mà các đối tượng làm ăn phi pháp đẩy mạnh hoạt động.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2014 ước khoảng 20 triệu bao. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn trọng điểm của bọn buôn lậu thuốc lá. Thuốc lá lậu được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh phần lớn bằng xe gắn máy trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối liền với tỉnh Long An, Tây Ninh. 

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mới là các đối tượng sử dụng xe ôtô du lịch chở số lượng lớn lên đến hàng ngàn bao mỗi chuyến. Trong 11 tháng đầu năm 2014, các đội QLTT TP đã phát hiện 1.563 vụ vận chuyển, kinh doanh, tạm giữ tổng cộng 586.079 bao thuốc lá nhập lậu, 415 chiếc xe gắn máy hai bánh và 9 xe ôtô.

Ngoài mặt hàng thuốc lá, lực lượng QLTT cũng đã tịch thu số lượng lớn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm 1.866 danh mục mặt hàng với số lượng 6.857.210 đơn vị sản phẩm và hơn 504 tấn. Đặc biệt, từ đầu tháng 12 đến nay, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong mùa Tết tăng mạnh như: đường cát, bánh, kẹo, mứt, nước trái cây, bia, rượu,...

Trên thị trường, hàng lậu, hàng giả gần như “phủ” khắp các nơi, từ lề đường đến cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Trong khối lượng hàng “khổng lồ” bị các lực lượng kiểm tra bắt giữ, phần lớn là hàng đang kinh doanh hoặc cất giữ tại kho chờ đúng thời điểm sẽ tung ra thị trường. Theo đánh giá của lực lượng kiểm tra, số hàng bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm một phần rất nhỏ hàng vi phạm đang cất giữ, lưu thông trên thị trường.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường quyết liệt chống các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại nhưng thực tế các tệ nạn này không giảm mà đang diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi hơn và có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân quan trọng nhất là các lực lượng chưa “đánh” vào tận gốc hàng giả, hàng lậu và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Điển hình, với mặt hàng thuốc lá, theo đánh giá của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh: Đa số người dân sống dọc biên giới là nông dân, sau khi xuất hiện các khu công nghiệp, các dự án thì họ không còn đất đai để canh tác.

Họ tham gia tiếp tay cho đường dây buôn lậu thuốc lá để có thu nhập, do vậy quan trọng là giải quyết căn cơ vấn đề sinh kế cho người dân ở vùng biên giới. Còn về việc xử lý các đối tượng vi phạm, Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nhận xét: “Tỷ lệ xử lý hình sự những đối tượng phạm tội thấp, chủ yếu xử lý người làm thuê, người khuân vác chứ chưa xử lý được đối tượng tổ chức, cầm đầu”.

Còn việc xử phạt đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả” thì hiện đang áp dụng NĐ 08/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định này thì tùy theo hành vi, tính chất và mức độ vi phạm, mức xử phạt từ 100.000đ - 70 triệu đồng đối với hành vi “buôn bán hàng giả”; phạt từ 200.000đ - 100 triệu đồng đối với hành vi “sản xuất hàng giả”; Đối với hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì giả, phạt 100.000 - 200.000đ (số lượng 100 cái), phạt 500.000đ - 1 triệu đồng (trên 500 - 1.000 cái)… là mức phạt quá nhẹ.

Theo một cán bộ QLTT, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả rất ma mãnh. Chúng không bao giờ sản xuất, tồn trữ cùng một lúc số lượng lớn, mà sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó. Tại các điểm kinh doanh cũng vậy, không bao giờ họ trữ nhiều hàng tại điểm bán. Vì vậy, khi lực lượng QLTT đến kiểm tra, tang vật thu giữ không đáng là bao nên mức phạt không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, xác định thời điểm cuối năm, Chi cục đã yêu cầu các đội kiểm tra tập trung tại điểm chứa trữ, bến bãi, khu vực trung chuyển hàng hóa (cảng, ga hàng không, đường sắt, các tuyến đường sông,...).

Trọng tâm vẫn là kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các khu vực mua bán hàng hóa phát sinh trong dịp lễ, Tết, đồng thời kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm gây bất ổn định thị trường để đẩy giá bán hàng lên cao.

Chi cục QLTT cho biết, sẽ tập trung chú ý một số địa bàn trọng điểm như: các tuyến đường bộ quốc lộ 22, quốc lộ 1, các tỉnh lộ thuộc địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12. Các tuyến đường sông, kênh rạch từ hướng Long An, Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh, là những điểm “nóng” vận chuyển các mặt hàng thuốc lá điếu, rượu, bia, sữa, nước giải khát nhập lậu. Tăng cường kiểm tra việc bán buôn các mặt hàng thực phẩm khô, bột ngọt, đường,... tại chợ Bình Tây (quận 6), thuốc lá nhập lậu tại khu vực Học Lạc (quận 5) và tại quận 12 - nơi tập trung các bến bãi trung chuyển, kho chứa các mặt hàng được đưa từ miền Bắc, miền Trung vào tiêu thụ...

Bên cạnh đó, các đội QLTT phối hợp với phòng kinh tế 24 quận, huyện triển khai vận động các cơ sở kinh doanh thuốc lá, các siêu thị, TTTM, tiểu thương kinh doanh tại các chợ, các tuyến phố lớn… ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.



Theo Thúy Hà 

thamht

Công an nhân dân

Trở lên trên