MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá sữa biết kêu ai?

26-09-2013 - 20:19 PM |

Thị trường sữa nước ta khó quản lý, nguyên nhân chính là do phụ thuộc quá nhiều vào sữa nhập khẩu.

Mới đây, một bảng so sánh giá nhập khẩu với giá bán lẻ sữa được đưa ra, trong đó giá sữa bán ra cao gấp từ 5 đến 9 lần. Điều này một lần nữa làm nóng dư luận về giá sữa, tới mức Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài chính và Y tế phải báo cáo cụ thể. 

Những tưởng, khi việc đã đến tai Thủ tướng thì trong báo cáo của mình, từng cơ quan phải nhận rõ trách nhiệm và đưa ra hướng giải quyết. Nhưng không, một lần nữa “quả bóng” trách nhiệm lại được Bộ Y tế (cụ thể là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) và Bộ Tài chính (đại diện là Cục Quản lý giá) đá sang sân nhau. Còn người tiêu dùng thì chẳng biết kêu ai.

Suốt từ năm 2008 đến nay, sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi luôn nằm trong danh mục hàng hóa phải kê khai giá, thế nhưng trong 6 năm nằm trong danh mục, giá sữa bột nhập khẩu đã tăng tới 30 lần và mức tăng lên đến trên dưới 200%.

Riêng năm 2013 này, sữa nhập khẩu đã có 5 lần tăng giá, trong đó 3 lần tăng giá gần đây nhất không kê khai, với lý do: các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em trước kia giờ đã được đổi tên thành “thức ăn công thức”, “thực phẩm bổ sung”, “thực phẩm dinh dưỡng”… cho phù hợp với bộ quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành từ năm 2010.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp đổi tên từ sữa sang “thức ăn công thức”, các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh sữa bột đã được “vẽ đường” để lách Luật Giá một cách… đúng luật. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không làm tăng giá sản phẩm này. 

Tất nhiên, tên gọi thay đổi thế nào cũng không thể làm tăng giá, mà chỉ tăng cơ hội làm giá của doanh nghiệp mà thôi, vì “thức ăn công thức” đương nhiên là không nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Người tiêu dùng không khỏi lo lắng, khi còn ở trong danh mục bình ổn giá và phải kê khai giá, trong 6 năm, giá sữa nhập khẩu còn tăng tới 200% sau 30 lần, giờ nằm ngoài danh mục, giá còn tăng tới đâu? Được biết, Bộ Tài chính đang chuẩn bị báo cáo Quốc hội để đưa thức ăn công thức vào danh mục bình ổn giá, đồng thời đề nghị Bộ Y tế thống nhất tên gọi đối với sản phẩm này, thay vì loạn tên thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… như hiện nay.

Ngay cả khi đã làm được những việc này, lấy gì đảm bảo rằng giá sữa sẽ được quản lý tốt? Nước ta đã có rất nhiều công cụ để kiểm soát giá sữa cũng như hoạt động kinh doanh sữa, từ Luật Giá, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thực phẩm…đến những văn bản dưới luật; đội ngũ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan hải quan…đều có thể cung cấp bảng tổng hợp giá sữa tại các nước, từ đó có thể so sánh và tìm ra sự bất hợp lý trong giá sữa ở Việt Nam. Nhưng vấn đề là các cơ quan quản lý Nhà nước đang sử dụng những công cụ đó như thế nào?

Có người đưa ra quan điểm, nếu giá sữa tiếp tục tăng vô tội vạ, người tiêu dùng có thể sử dụng “quyền lực mềm” của mình để quyết định việc mua hay không mua sữa nhập khẩu. Như thế có khác nào “quả bóng” trách nhiệm được đẩy hoàn toàn về phía người tiêu dùng? Hơn nữa, liệu có mấy người mẹ dám tẩy chay hãng sữa con mình đang uống chỉ vì giá?

Theo một số chuyên gia kinh tế, để làm được điều đó thì phải chủ động được nguồn hàng sữa thay thế, như sữa sản xuất trong nước phải dồi dào, các doanh nghiệp thương mại quốc doanh phải vào cuộc tham gia nhập khẩu sữa để phá thế độc quyền, chứ không thể viện lý do bài toán lợi nhuận mà không tham gia thị trường nhạy cảm này.

Thị trường sữa nước ta khó quản lý, nguyên nhân chính là do phụ thuộc quá nhiều vào sữa nhập khẩu, kể cả nguyên liệu sản xuất sữa bột cũng phải nhập khẩu tới 2/3. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.

Nhìn sang xứ người mới thấy, chuyện các hãng sữa ngoại “làm mưa làm gió” không chỉ diễn ra ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Âu, châu Á không chủ động được sữa trong nước cũng gặp phải cảnh này, nhưng với sự quyết liệt của Chính phủ các nước, giá sữa nhập khẩu buộc phải giảm giá. Ví dụ như sau một đợt thanh tra gắt gao, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhãn sữa nước ngoài phải giảm giá 20 - 30%. 

Tương tự, khi có sự cố về chất lượng của sữa Fonterra, chính phủ Sri Lanka khuyến khích người tiêu dùng biểu tình và yêu cầu doanh nghiệp này phải làm việc cụ thể với chính phủ về chất lượng và giá cả. Thị trường Việt Nam có dung lượng chưa bằng 1/10 thị trường Trung Quốc, nhưng lớn gấp 5 lần thị trường Sri Lanka.

Vậy có lý gì, nước bạn làm được, nước ta không làm được? Phải chăng đến tận bây giờ, các hãng sữa nước ngoài vẫn “nhờn” với mọi biện pháp quản lý, vì chính cơ quan quản lý không đủ kiên quyết? Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo làm rõ, Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề giá sữa, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình, để người tiêu dùng Việt Nam không còn chịu bất công vì giá sữa./.

Theo Thu Thủy

khanhnt

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên