MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường mũ bảo hiểm: Những con sóng ngầm

17-10-2013 - 14:14 PM |

Theo đại diện Cảnh sát giao thông Hà Nội, để xử lý người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm không khó. Tuy nhiên, để xử lý người đội mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn lại hoàn toàn khác.

Sau đợt truy quét mũ bảo hiểm với qui mô lớn từ cuối tháng 3 đến tháng 6 vừa qua, tình hình buôn bán mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng trên thị trường đã phần nào “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, đây mới được xem là phương pháp “chữa bệnh” phần ngọn, vẫn còn đó những nỗi lo về quy chuẩn chất lượng, về ý thức sản xuất của các đơn vị chế tạo mũ bảo hiểm.

Cần chữa bệnh tận gốc

Dọc con phố Chùa Bộc, Láng những “lán tạm” bán lẻ mũ bảo hiểm sau đợt truy quét cuối tháng 3 đã trở lại hoạt động bình thường. Điểm chung của những của hàng này là đều không có biển hiệu, không cửa ra vào, không che chắn, những chiếc mũ được phơi nắng, mưa hàng ngày để người mua nhận biết sản phẩm được bán. 

Theo quan sát của phóng viên, những chiếc mũ lưỡi trai đã không còn được bày bán, nhưng trong số 3 loại mũ được quy định tại QCVN2:2008/BKHCN (quy chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm) gồm mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu, tai và mũ che cả đầu, tai và hàm thì ở những lán bán hàng bán mũ bảo hiểm vỉa hè này đa số chỉ có loại mũ che nửa đầu.

Ngoài ra, các thông tin bắt buộc trên mũ bảo hiểm theo theo QCVN2: 2008/BKHCN như nhãn, nhãn phụ, tem CR đều không đầy đủ hoặc rất mờ. Gải thích về điều này, đa số chủ quán khẳng định đều nhập mũ bảo hiểm ở những cơ sở sản xuất uy tín, đạt chất lượng. Số liệu, tem rách, mờ hay không đầy đủ trên mũ bảo hiểm là do quá trình vận chuyển, bày bán lâu ngày nên hư hỏng và bay mất màu.

Không tin tưởng chất lượng của những tem dán, nhãn mác rõ ràng được treo trên giá và hỏi muốn mua một chiếc mũ tốt hơn, tôi được chủ quán chia sẻ: “Mũ bày bán hàng ngày để lâu ngoài trơi hơi cũ, khách hàng cứ chọn lựa kiểu dáng, nếu không thích sẽ lấy trong kho mũ khác mới hơn”.

Chọn thử một chiếc mũ, cảm giác đầu tiên khi chạm tay vào sản phẩm chất lượng cao này là chiếc mũ nhẹ, lớp nhựa bọc bên ngoài khi ấn dễ bị lõm, lớp hấp thu xung động trong mũ lỏng lẻo. Dòng chữ bắt buộc “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy” rất mờ vả nhỏ. Còn trên địa chỉ và tổ chức sản xuất, cán nhân theo quy định QCVN: 2008/BKHCN thì hoàn toàn không có. Khi hỏi về những thông tin này đa phần các chủ quán đều lắc đầu giải thích: “Mũ mua ở cở sở có uy tín, chất lượng nên không phải lo”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Phó Chủ nhiệm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cả nước hiện nay có khoảng 80 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm nhưng chỉ có 5 cơ sở làm được mũ bảo hiểm hoàn chỉnh đạt chất lượng. Bên cạnh đó, qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đạt chất lượng cũng chỉ có 76% cơ sở đáp ứng được chất lượng theo quy chuẩn VN2: 2008/BCKCN.

Lý giải về nguyên nhân này, tại Hội thảo “tăng cường kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy tại Việt Nam” các chuyên gia đã cho rằng: “Quy chuẩn VN2: 2008/BKHCN là rất tương đối, thực chất đây không phải là quy chuẩn của Việt Nam mà là lấy quy chuẩn của Châu Âu để áp dụng một cách máy móc vào thực tế tại Việt Nam. 

Ở Châu Âu, quy chuẩn này được áp dụng đối với phương tiện mô tô, xe máy chạy trên 120km/h. Ở Việt Nam, do đã cấm các phương tiện không được đi trên đường cao tốc nên tốc độ tối đa đi trong đô thị chỉ khoảng 60km/h. Vì vậy, cần phải điều chỉnh quy định để hợp lý hơn với thực tế tại Việt Nam.

“Bài toán” chưa có lời giải

Theo đại diện Cảnh sát giao thông Hà Nội, để xử lý người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, không cài quai không khó. Tuy nhiên, để xử lý người đội mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn lại hoàn toàn khác. Trong luật hiện nay có quy định: “Người đội mũ bảo hiểm không đạt quy chuẩn coi như không đội”, nhưng khi giải thích cho người dân hiểu lại thường gặp phản ứng rất gay gắt, họ cho rằng “mũ được mua ở cửa hàng, có dán tem CR, tại sao lại không đạt tiêu chuẩn”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Phó Chủ nhiệm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tồn tại thực trạng này là vì nhiều cơ sở sản xuất khi xin cấp giấy phép sản xuất họ thường mua những mũ đạt chuẩn đến cơ quan chức năng để được cấp tem CR. Nhưng khi sản xuất đại trà, các doanh nghiệp lại sản xuất mũ kém chất lượng rồi dán tem CR do cơ quan chức năng cấp trước đó. Trong năm nay, đã có trường hợp đoàn kiểm tra đã phát hiện 20kg tem CR tại một cơ sở sản xuất chuẩn bị được gián vào những chiếc mũ kém chất lượng.

Với số tem đó sẽ có hàng chục nghìn chiếc mũ “rởm” được bán ra thị trường nhưng vẫn được dán mác “hàng chất lượng cao” như những chủ quán thường giải thích. Do đó cần phải siết chặt khâu kiểm soát, cung cấp tem CR của các cơ quan thuộc Bộ Khoa học Công nghệ có thẩm quyền vì có trường hợp khi DN mang mũ bảo hiểm đến cơ quan kiểm định lần đầu tiên thì không đạt tiêu chuẩn nhưng khi đem đến cơ quan khác thẩm định lại đạt 95%.

Ngoài ra, với tiêu chuẩn hiện nay được quy định tại Quy chuẩn VN2: 2008/BKHCN, trao đổi với một doanh nghiệp chuyên sản xuất mũ bảo hiểm xuất khẩu, DN đã cho rằng: “Với tiêu chuẩn này, chúng tôi không thể sản xuất được mũ bảo hiểm tại Việt Nam vì quy chuẩn này quá cao. Nếu cố làm mỗi chiếc mũ sẽ có giá hàng triệu đồng và người dân sẽ phải đội 2kg trên đầu. Muốn mũ nhẹ hơn, máy móc thiết bị phải rất hiện đại, khi đó giá thành cho mỗi chiếc mũ người dân sẽ không thể chịu được”.

Theo đại điện tổ chức y tế thế giới, khảo sát mới nhất của cơ quan này cho thấy 40% mũ bảo hiểm được dán tem CR hiện nay trên thị trường Việt Nam đều có lớp hấp thu xung động không đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn VN2:2008/BKHCN.

Theo Quang Tấn

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên