Thị trường smartphone: Ai sẽ thắng ở phân khúc giá thấp?
Nhiều nhà kinh doanh điện thoại di động thừa nhận rằng xu hướng sử dụng smartphone giá rẻ đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam mà họ phải thích ứng.
Thị trường smartphone ở Việt Nam, phân khúc giá thấp cũng khá nhiều thương hiệu chen chân, chia nhau khoảng 20% thị phần smartphone. Thương hiệu nước ngoài có BlackBerry, Lenovo, Philips, Motorola, Alcatel, Huawei, ZTE, Mobell…
Thương hiệu nội địa “chính danh với người tiêu dùng” có: Mobiistar, Q-mobile, FPT, Viettel. Trong nhóm thương hiệu này, có Mobiistar và Q-mobile tham gia cuộc chơi đường dài, xuất hiện đã khá lâu và được nhiều người biết đến. Còn FPT với thương hiệu sản phẩm F-Mobile thỉnh thoảng cũng tung ra sản phẩm mới, đã có sáu mẫu smartphone. Viettel, trong dải sản phẩm có gần 30 mẫu, đến nay đã có sáu mẫu smartphone xuất hiện trong hệ thống bán lẻ.
Theo các nhà bán lẻ, với nhóm smartphone giá thấp, trong khung giá từ 1,5 – 3 triệu đồng, đang là nhóm hàng bán chạy nhất. Ông Nguyễn Đức Hưng, giám đốc ngành hàng di động của Nguyễn Kim cho biết, doanh thu của phân khúc giá thấp chỉ chiếm 20% nhưng thị phần về số lượng lại chiếm 60% trong hệ thống của Nguyễn Kim, với đầy đủ các gương mặt trong và ngoài nước.
“Trong lúc kinh tế khó khăn, sức mua giảm, dù lợi nhuận thấp nhưng nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều đẩy mạnh phân khúc giá thấp, vì đây là phân khúc có lượng khách hàng đông vì họ có nhu cầu làm quen với smartphone thay vì điện thoại phổ thông”, ông Hưng nhận xét.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, giám đốc ngành hàng điện thoại di động của Thế Giới Di Động, bình luận: “Số lượng của nhóm smartphone giá thấp ngày càng nhiều, thu hút nhóm khách hàng hiện đang dùng điện thoại phổ thông chuyển sang. Với mức giá 2 triệu đồng, người tiêu dùng sẽ không cưỡng lại được sản phẩm này”.
Cũng theo ông Hiểu Em, dù lợi nhuận thấp nhưng ở phân khúc smartphone giá thấp, tính cạnh tranh giữa các hãng, nhất là các thương hiệu mới nổi đang diễn ra quyết liệt. Nhiều nhà bán lẻ xác nhận rằng, dù có sản phẩm tham gia, nhưng các hãng lớn như Samsung, Nokia, HTC, Sony, BlackBerry… không mấy mặn mà với phân khúc này vì càng tập trung sản phẩm giá thấp sẽ càng lỗ.
Ở phân khúc giá thấp, “nguy hiểm” nhất là các thương hiệu nội địa như: Mobistar, Q-mobile, FPT, Viettel. Dù đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng, nhất là thị trường vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, những giá trị ấy, khá mong manh vì vốn và kinh nghiệm thương trường của các thương hiệu nội địa khá yếu. Theo các nhà kinh doanh, những thương hiệu nước ngoài ít được biết đến trong “làng” smartphone như Lenovo, Alcatel, Sharp, Huawei… sẽ không quá khó để đánh bật các thương hiệu nội địa. Lenovo với nhóm sản phẩm như A390, A706, B770… đang bắt đầu thu hút được khách hàng.
Mobell, sau khi ngưng hợp tác với nhà nhập khẩu VHH (Tân Bình, TP.HCM) nay đã mở văn phòng riêng để nhập khẩu và kinh doanh tại thị trường Việt Nam, những mặt hàng mới đã xuất hiện tại các siêu thị bán lẻ sau một thời gian vắng bóng, một nguồn tin (đề nghị không nêu tên) tiết lộ. Hiện tại, Huawei còn yếu trên thị trường nhưng trong tương lai gần, thương hiệu này sẽ có những “cơn bão” về smartphone để chiếm lĩnh khách hàng.
“Hiện tại, những thương hiệu nội địa còn có những cấu hình mạnh như chip xử lý lõi tứ, màn hình HD… nhưng giá vẫn thấp để cạnh tranh. Nhưng nếu các thương hiệu ít nổi tiếng của Trung Quốc như Lenovo, Huawei... cũng cung cấp cấu hình tương tự với giá rẻ thì các thương hiệu nội địa sẽ rất vất vả”, một chuyên gia bình luận. Đó là chưa kể Samsung cũng đang có chuỗi sản phẩm phong phú với nhiều mức giá khác nhau. Nokia cũng đang “khôi phục danh tiếng” trên thị trường khi tung ra những dòng smartphone giá tầm trung như Nokia 520/620… sắp tới sẽ có thêm 625 (khoảng 6 triệu đồng)...
Theo giới kinh doanh điện thoại di động tại Việt Nam, trong năm 2013, smartphone ước chừng chiếm 40% số lượng điện thoại di động bán ra nhưng doanh số đã chiếm 70%. Xét về thị phần của từng thương hiệu, theo số liệu của Thế Giới Di Động trong tháng 7.2013, Samsung vẫn dẫn đầu thị trường smartphone: khoảng 33%, tiếp theo là Nokia: 22%, Sony và HTC mỗi thương hiệu chiếm khoảng 10%. |
Theo Gia Vinh