MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm dịp cuối năm sẽ không tăng giá đột biến

20-11-2013 - 08:26 AM |

Từ nay đến cuối năm, nếu cả nước không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng về giá cả thì giá thực phẩm trong dịp Tết sẽ ít biến động.

Thời điểm này, người chăn nuôi cả nước đang tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm. Hiện giá thịt lợn đang có xu hướng tăng, giá các loại thịt gia cầm đang giảm mạnh, song người chăn nuôi vẫn tập trung tái đàn, tăng số lượng vật nuôi. 

Nguồn cung dồi dào

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá bán sản phẩm luôn ở mức thấp, trong khi giá đầu vào tăng cao, khiến người chăn nuôi thua lỗ. Tuy nhiên, bước sang các tháng cuối năm, người dân đang tập trung tái đàn, chuẩn bị nguồn cung cấp cho thị trường Tết. Hiện đàn bò sữa phát triển tương đối tốt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2012; giá sữa ổn định, sản lượng sữa đạt hơn 230 nghìn tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn là 26 triệu con với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng từ 2 đến 2,5%; tổng đàn gia cầm của cả nước đạt hơn 322 triệu con, tăng 2,8%, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng tăng 5,5-6% và trứng gia cầm tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nguồn cung trong nước, đến thời điểm này, cả nước đã nhập khẩu hơn 2.000 tấn thịt lợn, 24.000 con bò thịt, 3.600 tấn thịt bò…

Chủ nhiệm HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, hiện lợn đang bán với giá 47.000-48.000 đồng/kg, người chăn nuôi lãi từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gà đang giảm. Gà lông trắng có giá 21.000-22.000 đồng/kg và với giá này người nuôi đang bị lỗ từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg; gà lông phượng bán được 30.000-32.000 đồng/kg, lỗ 7.000 đồng/kg; gà ta chỉ được 80.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp bán với giá 1.400-1.500 đồng/quả, trứng gà ta 3.000 đồng/quả, người nuôi đang bị lỗ 200 đồng/quả. 

Mặc dù giá thịt gia cầm đang giảm mạnh, nhưng người chăn nuôi ở đây đã tái đàn nên dự kiến trong các tháng cuối năm, HTX chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông cung cấp cho thị trường khoảng 1.400-1.500 tấn thịt lợn/tháng và hơn 1.000 tấn thịt gà/tháng. 

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ nay đến Tết Nguyên đán 2014, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng khoảng 20-30%. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền (Thanh Oai) cho biết, để đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm của người tiêu dùng Thủ đô, công ty đã ký hợp đồng với các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Dự kiến, công ty sẽ cung cấp cho thị trường Tết từ 100 đến 150 tấn thịt lợn và khoảng 70-80 tấn thịt gà.

Tăng cường kiểm soát

Dù nguồn cung tương đối dồi dào, song từ nay đến cuối năm, nếu cả nước không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng về giá cả thì giá thực phẩm trong dịp Tết sẽ ít biến động. Để người dân yên tâm tái đàn và duy trì sản xuất vào đầu năm 2014, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho người chăn nuôi như vay vốn với lãi suất ưu đãi. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm soát việc nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới và tạm nhập tái xuất thực phẩm, bởi đây là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. 

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để không có sự đột biến về giá thực phẩm trong các tháng cuối năm, Bộ Công thương cần chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách bình ổn giá thực phẩm hợp lý, tránh tăng giá đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời, Cục cần có những chính sách khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. 

Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần chỉ đạo các cơ quan liên quan và địa phương tích cực phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; khi phát hiện dịch phải tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Các địa phương phải chuẩn bị phương án phòng, chống đói, rét cho đàn trâu, bò vào các tháng mùa khô và vụ đông - xuân. 

Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống cần tăng cường hoạt động sản xuất, cung ứng đủ nhu cầu giống và kiểm soát giống vật nuôi cho nông dân. Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát khâu phân phối, lưu thông các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường, nhằm tránh tình trạng sốt giá cục bộ ở một vài địa phương, gây ảnh hưởng chung cho thị trường thực phẩm cuối năm.

Theo Ngọc Quỳnh

khanhnt

Hà Nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên