MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tọa đàm trực tuyến: Bình ổn thị trường – Tháo gỡ khó khăn cung cầu dịp Tết

25-12-2013 - 15:40 PM |

Chiều 25/12, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến về Bình ổn thị trường – tháo gỡ khó khăn cung cầu dịp Tết.

Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân rất quan tâm tới tình hình giá cả cuối năm, cung cầu ra sao, hiệu quả của bình ổn giá. Để giải đáp các câu hỏi của người dân, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến về Bình ổn thị trường – tháo gỡ khó khăn cung cầu dịp Tết.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; Bà Lê Ngọc Đào Phó, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh; ông Chu Xuân Kiên, Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Thưa thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, chương trình bình ổn ban đầu được đánh giá tích cực nhưng hình thức vẫn chưa được phong phú. Xin bà có thể cho biết chương trình của năm nay?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Chương trình bình ổn là chương trình của địa phương, có dự trữ hàng hóa để chuẩn bị cho địa phương mình. Tiếp theo, Bộ Công thương có hướng dẫn theo hướng gợi mở, từ đó tới nay các chương trình được tổ chức, triển khai ngày càng mới. Ví dụ các điểm mới về doanh nghiệp tham gia, cơ cấu doanh nghiệp khác nhau, cơ cấu mặt hàng, địa điểm bán hàng… Mỗi năm đều có những cái mới, cái cải tiến.

Ví dụ 2012 có khoảng 40 địa phương báo cáo thì có hơn 30 địa phương tham gia. Năm nay có hơn 50 địa phương báo cáo về có chương trình bình ổn. Số lượng các DN tham gia đều tăng hơn so với năm trước. Trước kia chỉ có hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối, nhưng nay có cả hỗ trợ cho nhà sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, vận tải và nhà phân phối.

Năm 2011 có 6.400 điểm bán bình ổn, nhưng năm 2012 đã lên tới 8.000 điểm. Ngoài ra các chuyến hàng lưu động cũng triển khai tích cực. Ví dụ ở Hà Nội có các chuyến hàng lưu động tới các khu công nghiệp, vùng xa.

Một điểm mới nữa là năm nay các doanh nghiệp không ứng vốn với lãi suất bằng 0 như trước mà đã có các hợp đồng vay vốn thương mại với phía ngân hàng..

Các điểm bán hàng bình ổn năm nay không chỉ kéo dài đến trước Tết mà cả sau Tết để giúp giá cả hạ nhiệt. Các doanh nghiệp đều cam kết bán hàng đến tận 30 Tết và mở cửa sớm, giúp dẫn dắt thị trường.

Như vậy, chúng ta có nhiều cái mới nhưng chất lượng hàng hóa thì sao?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Trước kia, các chương trình bình ổn chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu nhưng nay có thêm các mặt hàng khác như giấy vở học sinh, sữa…các nhóm hàng đa dạng hơn. Việc lựa chọn các mặt hàng tùy theo nhu cầu của một số địa phương. Ví dụ các địa phương có thực phẩm nhiều thì họ không dự trữ các mặt hàng này mà dự trữ về công nghệ phẩm…

Ông Đoàn Lê (Tp.HCM) hỏi: Xin hỏi bà Lê Ngọc Đào năm nay chương trình bình ổn có khác gì những năm trước?

Bà Lê Ngọc Đào: Chương trình bình ổn chúng tôi đã triển khai 12 năm. Trước đây chỉ triển khai 3 tháng Tết nhưng giờ đây triển khai quanh năm. Gồm có 4 nhóm hàng hóa chính nằm trong chương trình bình ổn là thực phẩm, mùa khai trường, sữa và nhóm dược phẩm.

Với quy mô của 2013, phương thức của TPHCM triển khai là không ứng vốn từ ngân sách. Trước đây ứng vốn khoảng 400 tỷ/năm, nhưng sau đó giảm dần và đến nay không ứng vốn.

Các doanh nghiệp tham gia được kêu gọi phải đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa tốt .

Năm nay có 5 tổ chức tín dụng tham gia cho vay, tổng nguồn vốn khoảng 1.900 tỷ đồng. Nguồn hàng hóa có 64 doanh nghiệp, trong đó 59 DN sản xuất và 5 ngân hàng.

Có những mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thực phẩm, chúng tôi chiếm đa số, có thể chi phối và ổn định được giá cả trên toàn địa bàn.

Chúng tôi ưu tiên xét chọn các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng, có giấy chứng nhận để đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Giá của chương trình bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5 – 10%. Cơ sở để so sánh giá hàng bình ổn là cùng chủng loại, cùng chất lượng. Sản phẩm VietGap không thể so với hàng trôi nổi.

Đến giờ này, chúng tôi có khoảng hơn 7.500 điểm bán cho cả 4 nhóm hàng hóa tham gia bình ổn, phủ kín địa bàn thành phố.

Năm 2013, giá hàng hóa thiết yếu tăng mạnh (xăng, dầu, gas, sữa…), vậy Bộ Công Thương có thể bình ổn được thị trường hay không?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Năm nay Nhà nước kiểm soát CPI khá tốt. Các hàng hóa tăng giá bất hợp lý, gây ra sốt giá chủ yếu do cung cầu. Do vậy cần có những đánh giá nguồn cung, cầu để có các biện pháp điều phối.

Hiện nay, Bộ Công thương cùng các bộ ban ngành liên quan đã có cân đối cung cầu cả nước, đặc biệt về lương thực thực phẩm. Vừa rồi, Bộ công thương và bộ Nông nghiệp cùng 6 địa phương gồm cả HN và TP.HCM, chúng tôi xác định hiện nay nếu có thiếu cung chúng ta phải có điều hành cụ thể. Chúng tôi đánh giá năm nay, nhu cầu trước Tết bao giờ cũng là văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Năm nay nguồn cung thịt lợn, thực phẩm là đủ cho tiêu dùng trong nước. Chúng tôi cũng có dự trữ để điều chỉnh, bù đắp cho một số vùng xảy ra thiếu cục bộ (chuyển vùng nọ sang vùng kia).

Nhiều bà nội trợ nhận được các gợi ý từ người bán hàng như: mua đi kẻo Tết sẽ lên giá… gây áp lực tâm lý. Bộ Công Thương có nhận định thế nào, làm sao để người dân yên tâm?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Chúng ta có tâm lý Tết thì tiêu dùng nhiều nhưng một lý do nữa là do hình thức phân phối. Việc điều tiết của Nhà nước là phải sao cho theo thị trường. Chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm đến cung cầu đầy đủ; lưu thông phân phối (làm sao cho hệ thống phân phối có tính dẫn dắt thị trường) để không xảy ra tình trạng giá tăng.

Bà Lê Ngọc Đào: Năm nay nguồn hàng tăng khoảng 20 – 25% và ổn định về giá. Các doanh nghiệp bình ổn dù chịu tác động của giá xăng, gas thời gian qua nhưng nó không ảnh hưởng nhiều tới giá cả. Các mặt hàng bình ổn chúng tôi sẽ đảm bảo bình ổn trong 2 tháng, từ 1/1/2014 – 1/3/2014. Riêng các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu (thịt, trứng), chúng tôi có chương trình giảm giá cho 3 ngày cận Tết. Người dân nên yên tâm không tăng giá.

Ông Mai Văn Phúc (TPHCM): Ở ngoài thị trường giá thịt gà, thịt lợn đang tăng. Người bán hàng cho rằng giá tăng vì cung yếu. Theo dự báo giá cả năm nay sẽ tăng, đặc biệt các loại hoa quả có thể tăng 3 – 4 lần. Bà dự báo như thế nào?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Năm nay cung thực phẩm không thiếu, và chẳng may thiếu cục bộ chúng tôi cũng sẽ điều tiết được. Ở Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã cam kết, ngày cuối cùng của năm nay sẽ giảm giá từ 6.000 – 10.000 đồng/kg thịt lợn.

Ngoài các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp còn xây dựng chương trình bình ổn cho vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu.

Về các loại hoa quả, chúng ta khó mà phủ được hết thị trường. Nhưng về các mặt hàng thiết yếu thì người dân cứ yên tâm.

Những năm trước, TPHCM có tính toán chương trình bình ổn tác động đến giá cả nói chung và CPI hay không?

Bà Lê Ngọc Đào: Chương trình bình ổn chúng tôi triển khai quanh năm với nhóm hàng thiết yếu, dẫn dắt và lan tỏa thị trường. Suốt những năm sau cũng vậy, giá hàng bình ổn tương đối ổn định. Những ngày Tết hàng bình ổn luôn chi phối thị trường, tác động đến CPI rất rõ, ổn định thị trường rất rõ. CPI năm sau đều thấp hơn năm trước, năm 2010 là 9,58% nhưng 2013 chỉ hơn 5,1%.

Chúng tôi là người dân ở nông thôn, giá hàng hóa dịp Tết cũng không khác thành phố, những chương trình bình ôn giá thường thiếu vắng thịt. Liệu có phải doanh nghiệp tính toán thua thiệt về chi phí hay không?

Ông Chu Xuân Kiên: Một số sản phẩm tươi sống, trong việc vận chuyển ảnh hưởng tới chất lượng. Mỗi chuyến bình ổn về nông thôn chúng tôi thường đưa các hàng thiết yếu nằm trong nhóm 7 mặt hàng. Thời gian tới chúng tôi sẽ tính toán về vấn đề này.

Gần đây nhiều báo chí đăng tin giá bia tăng, các đại lý cũng bán hàng hạn chế. Khan hàng giáp Tết khiến nhiều người đổ xô mua tích trữ, liệu đây có phải chiêu của nhà sản xuất để tạo căng thẳng giả?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Thường hàng hóa sốt giá do giá đầu cơ tạo tâm lý thiếu hàng. Chỉ có như thế họ mới làm ăn được. Do vậy, chúng ta phải cảnh giác với các thông tin không chính thống.

Hiện chúng tôi làm việc với các nhà sản xuất thì lượng bia năm nay tăng 20 – 30% và giá không tăng (giá Heiniken). Việc nói sản lượng bia thiếu là không đúng.

Như ở Tp.HCM vừa rồi, có chuyên tăng giá bia sau đó Sở Công thương đã cho kiểm tra các đại lý cấp 1 của các hãng bia ở TP.HCM, nếu có chênh lệch giá sẽ truy thu thuế. Sau 3 ngày xử lý như vậy, giá bia đã ổn định trở lại.

Chương trình bình ổn giá những năm qua đã đem lại hiệu quả không thể phủ nhận. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa và đặc biệt giúp người dân có một cái Tết ấm áp, vui tươi trong năm nay.


Phương Thảo

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên