Trung Quốc: Đã hết thời ô tô bán ra ào ào
Sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường ôtô Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại. Đây cũng chính là hệ lụy từ sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt mức doanh số kỷ lục với 20 triệu ôtô được bán ra trong vòng một năm. Tuy nhiên, đứng trước nguy sơ suy thoái sâu của nền kinh tế cộng với những hệ quả nặng nề về môi trường do khí thải ôtô gây ra khiến nhu cầu xe hơi nước này giảm sút.
Mặc dù có những “thế lực ngầm” sẵn sàng tạo ra các cơn kích cầu ảo để nâng đỡ thị trường ôtô trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ làm trầm trọng thêm cho sự bấp bênh và không bền vững vốn là căn bệnh cố hữu của quốc gia này. Đồng thời, nó sẽ khiến tốc độ suy thoái của thị trường xe hơi Trung Quốc trở nên nhanh chóng và bộc lộ rõ nét hơn.
Theo một nghiên cứu của LMC Automotive, mặc dù được hà hơi tiếp sức bởi những con số lạc quan đầy ấn tượng trong năm 2013, tuy vậy doanh số gần đây của thị trường ôtô Trung Quốc vẫn sụt giảm một cách rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng của tháng 3/2014 thấp hơn hẳn so với hai tháng liền kề trước. Trong đó, sự “tụt dốc” của phân khúc xe du lịch và xe thương mại khiến tốc độ tăng trưởng của thị trường trong quý I/2014 trượt xuống dưới mức 10%, theo số liệu LMC.
Trong tháng 3/2014, có khoảng 560.000 chiếc xe thương mại được bán ra tại Trung Quốc, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng là tỷ lệ tăng trưởng tại phân khúc này đang ở mức 3.4% hai tháng đầu năm, suy giảm xuống còn 0,7% trong tháng 3.
Bảng thống kê doanh số thị trường ôtô Trung Quốc tháng 3/2014.
Những thành công nằm ngoài dự kiến của thị trường ôtô Trung Quốc trong năm 2013 được xem là kết quả nhất thời từ các chính sách thúc đẩy, tăng trưởng đầu tư của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự “hoảng loạn” của người tiêu dùng trước thông tin chính phủ sẽ áp đặt hạn mức mua xe tại một số thành phố cũng khiến doanh số bán xe năm 2013 tăng một cách đột biến.
Thực tế cho thấy, thị trường ôtô Trung Quốc đã thất bại trong việc tiếp bước chạy đà mạnh mẽ từ mức tăng trưởng ấn tượng của quý 4/2013.
Bước vào năm 2014, nền kinh tế Trung Quốc dường như đang bị “đóng băng” khi đứng trước muôn vàn nguy cơ và đẫy rẫy thách thức. Tăng trưởng GDP quý I/2014 là 7,4%, giảm 0,3% so với quý 4/2013. Sản xuất chậm chạp, bong bóng bất động sản đã vỡ, doanh số bán lẻ cùng việc xuất khẩu hàng hóa sa sút trong quý I. Đứng trước tình hình trên, chính phủ Trung Quốc được cho là đang có nhiều động thái nhằm đẩy mạnh các biện pháp kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường ôtô nói riêng.
Tuy nhiên, khi mô hình tăng trưởng theo định hướng của nhà nước được xem là đã đạt đến giới hạn nhất định thì các biện pháp trên cũng chỉ cải thiện được triển vọng tình hình nền kinh tế trong một thời gian ngắn, trước khi rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện. Tất nhiên, thị trường ôtô Trung Quốc cũng vậy.
Quay trở lại với chính sách hạn chế tiến tới siết chặt việc mua xe của chính phủ, nguyên nhân gây ra không ít sự xáo trộn cùng tâm lý “hoảng loạn” trong thị trường ôtô Trung Quốc. Mở đầu là Bắc Kinh với các biện pháp mới được ban hành nhằm điều tiết và kiểm soát số lượng ôtô đang ở mức báo động tại thành phố này. Kế đến là Thiên Tân, Hàng Châu cũng đồng loạt công bố định mức của riêng mình trong việc hạn chế mua xe.
Tại Hàng Châu, bảng thông báo quy định tổng số xe bán ra trên toàn thành phố chỉ dừng ở con số 70.000 chiếc một năm của nhà cầm quyền đã được các đại lý xe hơi trưng bày công khai tại trụ sở của họ. Con số trên chỉ bằng 25% so với doanh số bán hàng năm 2013 của thị trường ôtô Hàng Châu.
Ô nhiễm môi trường do khí thải ôtô ở Trung Quốc đã lên đến mức báo động.
Cũng theo LMC cho biết, do điều kiện môi trường và không khí ngày càng trở nên tồi tệ. Cộng với việc có thêm một nguồn thu không nhỏ từ bán quyền mua xe ôtô, dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều thành phố tại Trung Quốc ban bố các chính sách tương tự như Bắc Kinh hay Hàng Châu đã làm. Nếu những lộ trình trên sớm được đưa vào triển khai, thì hoặc sẽ thúc đẩy lực mua của người dân trước khi luật có hiệu lực và tạo ra một cú hích tích cực cho thị trường, hoặc sẽ đẩy ngành công nghiệp này đến bên bờ vực của sự suy thoái.
LMC rốt cuộc vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, việc duy trì các gói kích thích kinh tế cùng với việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế mua xe ôtô của chính phủ Trung Quốc chỉ có thể thúc đẩy nhất thời doanh số bán xe của thị trường trong một thời gian ngắn. Về lâu dài, động thái trên sẽ đẩy thị trường ôtô nước này rơi vào một cuộc suy thoái nhanh hơn và sâu sắc hơn.
Xét cho cùng, thị trường ôtô Trung Quốc đang trước một viễn cảnh không mấy tốt đẹp khi phải đèo bòng trên mình một hiệu ứng vốn tượng trưng cho sự không ổn định và thiếu bền vững : “Hiệu ứng bấp bênh”.