Vì sao sữa nhập khẩu đắt hơn sữa sản xuất trong nước?
Giá bán của sữa ngoại luôn cao hơn sữa có thành phần vi lượng tương đương do Việt Nam sản xuất. Vậy người tiêu dùng đang phải trả tiền cho thương hiệu hay chất lượng sữa?
Trên thị trường sữa bột hiện nay, giá của một lon sữa do
công ty của Việt Nam sản xuất chỉ bằng 50-70% giá một lon sữa nhập khẩu. Khoảng
cách này liệu có đồng nghĩa với sự khác biệt về chất lượng? Nhưng lại có một thực
tế là sản phẩm sữa bột của các công ty trong nước cũng vào được những thị trường
khó tính như Mỹ và Châu Âu với số lượng xuất khẩu ngày càng tăng? Vậy có chăng
người tiêu dùng đang phải trả một số tiền quá lớn cho thương hiệu và cách thức
kinh doanh của chính các hãng sữa, chứ không phải giá trị của lon sữa ấy?
Trên thực tế, hầu như cổng trường mẫu giáo nào cũng được sơn
phủ đầy logo của các hãng sữa. Hình ảnh về sữa ngoại xuất hiện nhan nhản trên
các mục quảng cáo của truyền hình và báo in.
Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là số tiền được các hãng sữa
ngoại chi cho quảng cáo và tổng chi phí cho quảng cáo mặt hàng này cao thứ 2,
chỉ sau ngành hóa mỹ phẩm. Điều này khiến các thương hiệu sữa ngoại lấn lướt sữa
nội trong tâm trí người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Đức - GĐ Quan hệ công chúng - Công ty
Nutifood cho biết: “Chi phí cho truyền thông và quảng cáo của các hãng sữa
nước ngoài rất lớn, mà các doanh nghiệp trong nước không thể bì kịp”.
Theo ước tính sơ bộ của các công ty nghiên cứu thị trường,
giá nguyên liệu của một lon sữa nội hiện chiếm 50-60% giá thành. Chi phí cho
khâu phân phối, vận chuyển, hoa hồng cho đại lý… chưa kể đến quảng cáo, chiếm
khoảng 20-30%. Nếu các hãng sữa nội cũng bỏ tiền chạy đua cùng các hãng sữa ngoại
thì chắc chắn sẽ không có chuyện, giá một lon sữa nội chỉ bằng một nửa hay cùng
lắm là 2/3 lon sữa ngoại có thành phần các vi chất tương đương.
Bà Bùi Thị Hương - GĐ Đối ngoại Vinamilk nhận định: “Có
thể các hãng sữa ngoại đổ nhiều tiền vào tiếp thị, hoa hồng cho những người trực
tiếp khuyến nghị dùng sữa… Nếu các công ty của Việt Nam cũng làm theo thì giá sữa
chắc chắn sẽ không thể ở mức hợp lý như hiện nay”.
Với 40 năm kinh nghiệm làm kế toán kiểm toán, ông Mai Thanh
Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TPHCM cho rằng khi nhà nước không kiểm soát được
chi phí hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh sữa nhập khẩu, gánh nặng này sẽ
được đẩy sang vai người tiêu dùng.
Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng được chi cho quảng cáo, tiếp thị…
đã được cộng gộp trong giá bán lẻ sữa. Nếu Nhà nước không có sự kiểm soát sát
sao giá sữa, thì những bà mẹ sẽ tiếp tục phải trả tới 5 - 6 đồng trong khi giá
trị thật của lon sữa nhập khẩu chỉ đáng 1 đồng. Và sẽ có rất nhiều trẻ em Việt Nam đang
bị tước cơ hội uống sữa.
Theo Hoài Linh