MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam từ bỏ ôtô cá nhân: Đừng mơ giá rẻ?

07-01-2014 - 08:40 AM |

Nếu các ưu đãi không hấp dẫn, chính sách không thuận lợi, sản xuất, lắp ráp trong nước không cạnh tranh với xe nhập khẩu thì không thể tiếp tục đầu tư vào sản xuất xe cá nhân tại Việt Nam, các DN nhấn mạnh.

Hơn một năm nay, bản quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được soạn thảo và lấy ý kiến. Nhưng đã bước sang năm 2014 mà các chính sách mới về công nghiệp ô tô vẫn chưa được ban hành.

Thay đổi liên tục

Ban đầu dự thảo đưa ra ưu đãi lớn về thuế, phí với dòng xe chiến lược trong nước sản xuất. Theo đó dòng xe chiến lược là xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L. Những xe này nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trở lên sẽ được giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và 70% lệ phí trước bạ. Sau đó, có điều chỉnh loại bỏ ưu đãi lệ phí trước bạ và nâng ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75%. Tiếp đến lại điều chỉnh, thay ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt 75% bằng ưu đãi 75% giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đến nay, theo Thông báo số 455/TB-VPCP, ngày 24/12/2013 về kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan phải soạn thảo theo hướng chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng thay thế xe công nông, xe tự chế, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn, tiện dụng; cân nhắc kỹ việc lựa chọn phát triển dòng xe chuyên dùng, du lịch 4-7 chỗ.

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương), cơ quan soạn thảo bản Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 - cho biết: “Trước đây, chúng tôi xây dựng bản quy hoạch có mục tiêu hướng tới phát triển xe cá nhân với lý do xe tải và xe khách thời gian qua đã phát triển tốt, đạt được nhiều thành tựu. Hiện xe tải dưới 5 tấn, xe khách đường dài 45 chỗ trong nước sản xuất đã đáp ứng được tới 70-80% nhu cầu và có tỷ lệ nội địa hóa từ 40-55%.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng công nghiệp ô tô thất bại là nói đến lĩnh vực sản xuất xe cá nhân. Vì vậy, quy hoạch nhằm vào phân khúc này để thúc đẩy sản xuất tăng nội địa hóa, đón đầu thời kỳ bùng nổ ô tô giai đoạn sau 2020. Với xe cá nhân, kết luận của Thủ tướng Chính phủ nói phải cân nhắc là có ý nghi ngờ thời gian còn lại quá ngắn, liệu có làm được không?

Với chỉ đạo trên, chúng tôi đã chắp bút lại theo hướng phát triển các loại xe tải nhẹ dưới 2,5 tấn phục vụ cho nhu cầu vận tải ở khu vực nông thôn, miền núi, vốn đang rất cần phát triển. Bên cạnh đó là định hướng phát triển các loại xe khách nhỏ dưới 16 chỗ, 26 chỗ mà trong nước có nhu cầu cao nhưng chưa được đáp ứng”.

Với xe cá nhân, theo ông Giám, qua trao đổi với các DN họ khẳng định nếu có chính sách phù hợp sẽ làm được. Hiện một số DN đã có dự án, nếu được ủng hộ sẽ tiến hành. Vì vậy, trong dự thảo lần này, chúng tôi vẫn đưa vào. Tuy nhiên có thay đổi với dòng xe chiến lược là xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống thay vì dưới 2.0L như trước đây.

Bỏ cuộc xe cá nhân?

Dòng xe chiến lược sẽ được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, ưu đãi cho xe sản xuất lắp ráp trong nước như thế nào thì cũng ưu đãi tương tự với xe nguyên chiếc nhập khẩu có dung tích xi lanh 1.5L trở xuống, không phân biệt đối xử theo cam kết gia nhập WTO. Ngoài ra, xe trong nước sẽ được hỗ trợ về giá để khuyến khích tiêu dùng. Khoản hỗ trợ này được cho là không vi phạm cam kết của WTO.

Ông Giám phân tích, cho dù có được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng từ nay đến 2018, xe nhập khẩu vẫn phải chịu thuế xuất thuế suất thuế nhập khẩu. Nếu xe trong nước được hỗ trợ về giá thì vẫn có lợi thế cạnh tranh, vì vậy sẽ phát triển được sản xuất. Sau 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0% thì xe trong nước chỉ còn lợi thế là được hỗ trợ về giá.

Tuy nhiên, hỗ trợ về giá được cho là không khuyến khích các DN đẩy mạnh nội địa hóa, bởi chỉ cần lắp ráp thôi cũng vẫn nhận được hỗ trợ. Đây là vấn đề đang nghiên cứu để hỗ trợ về giá sẽ gắn với thúc đẩy nội địa hóa, ông Giám cho biết.

Tuy nhiên, các DN khi được hỏi lại cho rằng, nếu ưu đãitiêu thụ đặc biệt cho xe nhập khẩu, sẽ rất khó để xe trong nước cạnh tranh. Bởi theo tính toán, đến 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm còn 0% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam có giá thành thấp hơn tới 20% so với xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Việc hỗ trợ về giá với xe trong nước được cho là không đủ để cạnh tranh với xe nhập khẩu, bởi người tiêu dùng Việt Nam vốn ưa chuộng xe nhập khẩu hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Nếu các ưu đãi không đủ hấp dẫn, chính sách không thuận lợi, sản xuất, lắp ráp trong nước không cạnh tranh với xe nhập khẩu thì không thể tiếp tục đầu tư vào sản xuất xe cá nhân tại Việt Nam, các DN nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Tham tán thương mại 2013 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng cho biết, chúng ta không có tham vọng trở thành một nước sản xuất ô tô lớn như Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng ta chỉ mong muốn sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước về các chủng loại xe tải nhỏ, xe bus và một số loại xe chuyên dụng khác. Nhưng đối với ngành công nghiệp phụ tùng ô tô, với một số chi tiết, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành nhà sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng phụ tùng ôtô toàn cầu.

Với phát biểu này thì rõ ràng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không còn tham vọng sản xuất xe cá nhân.

Theo Trần Thủy

khanhnt

VEF

Trở lên trên