Vụ “mất tiền tỉ vì hàng bị giam ở cảng”: Đẩy khó cho doanh nghiệp
Một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục hải quan thừa nhận khi trao đổi về tình trạng tắc hàng tại cảng những ngày vừa qua rằng, đúng là doanh nghiệp đang bị làm khó.
- 07-11-2013Mất tiền tỉ vì hàng bị “giam” ở cảng
Trao đổi với chúng tôi xung quanh thông tư 128 của Bộ Tài chính, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan thừa nhận đã lường trước việc hàng ách tắc tại cửa khẩu, chưa kể doanh nghiệp (DN) sẽ phải mất tiền lưu kho, lưu bãi khi hàng nằm chờ thông quan.
“Nếu các bộ, ngành thật sự chung tay, làm hết trách nhiệm thì DN không bị làm khó, không bị mất các chi phí oan. Đúng là doanh nghiệp đang bị làm khó” - một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục hải quan thừa nhận khi trao đổi về tình trạng tắc hàng tại cảng những ngày vừa qua.
Đùn đẩy trách nhiệm
Theo ông Bùi Lê Hùng - trưởng Phòng giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, thông tư 128 của Bộ Tài chính xuất phát từ thực tế trước đây, một số DN khi được mang hàng về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành lại tự động mang hàng đi tiêu thụ, nhiều mặt hàng không đạt chất lượng nhưng vẫn được đưa ra thị trường mà không thực hiện kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa...).
Mặt khác, 30 ngày sau là thời hạn nộp chứng thư kiểm định thì DN bỏ không quay trở lại nộp giấy này. “Nếu tiếp tục làm theo cách cũ thì buông lỏng quản lý. Chúng tôi đã loay hoay nhiều phương án, Bộ Tài chính chỉ đạo phải thực hiện theo đúng tinh thần của Luật hải quan, đó là hàng phải có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới cho thông quan” - vị này nói.
Theo quy định về kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế sẽ kiểm tra sữa, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, Bộ NN&PTNT kiểm dịch thực phẩm, muối..., chưa kể một mặt hàng sẽ do nhiều bộ ngành cùng kiểm tra. Chẳng hạn, thịt bò phải kiểm tra an toàn thực phẩm lại vừa kiểm dịch và do hai bộ quản lý. Bộ Y tế quản lý an toàn thực phẩm, còn kiểm dịch do Bộ NN&PTNT. Sữa cũng vậy, vừa kiểm tra chất lượng vừa kiểm tra kiểm dịch động vật. Một mặt hàng nhập về, DN phải xin đủ hai loại giấy kiểm tra của các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, danh mục hàng hóa phải kiểm tra ngày càng tăng, ước có khoảng 60% hàng hóa nhập khẩu như đồ gỗ, vải... buộc phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. “Nhưng điều đáng băn khoăn nhất là hầu hết các bộ ngành quản lý các mặt hàng này lại chọn cách kiểm tra trước khi thông quan mà không chọn cách kiểm tra hàng trước khi lưu thông. Chính vì vậy, tình trạng ách tắc tại cảng trong một tuần nay đã diễn ra và gây khó khăn cho DN” - vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Phải giảm mặt hàng buộc kiểm tra chuyên ngành
Theo một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý hải quan, ngày 12-11, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc với một số bộ ngành gồm Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Giao thông vận tải để tìm cơ chế phối hợp xử lý vấn đề này. “Quan điểm của Tổng cục Hải quan là các bộ ngành phải giảm bớt mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt là việc mặt hàng nào cần thiết phải kiểm tra trước thông quan và mặt hàng nào kiểm tra sau” - vị này nói.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đã trình Bộ Tài chính xem xét cho phép thông quan ngay một số mặt hàng nhập khẩu đặc thù như ôtô, xe máy, văcxin, thiết bị y tế, nguyên liệu sản xuất... Ngoài ra, các bộ ngành phải tăng cường lực lượng kiểm tra nhóm mặt hàng ở các cửa khẩu để có kết quả sớm nhất cho DN. “Tinh thần là phải cho DN mang về bảo quản kho của mình, khi nào có kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành thì DN mới được lưu thông hàng hóa” - một lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Theo ông Bùi Lê Hùng, về nguyên tắc cơ quan kiểm tra chuyên ngành chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa đó cho đến khi thông quan hàng hóa. Nếu muốn đem về kho của DN thì phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên ngành, hàng hóa phải được đưa về những địa điểm kho của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Vướng mắc xảy ra khi các cơ quan chuyên ngành này lại không có kho. Cục Hải quan TP.HCM đã đề nghị cho DN đưa hàng về kho của DN, có sự giám sát của cơ quan chuyên ngành để chờ kết quả kiểm định. “Nhưng đến nay khi thực hiện vẫn vướng bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành không kiểm tra kho, không chấp nhận kho của DN...” - ông Hùng nói.
Một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho rằng với những trường hợp chưa phát hiện sai phạm nào, chẳng hạn muối nhập khẩu, nếu Bộ NN&PTNT cho phép DN được đưa về kho bảo quản và chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát chất lượng thì hải quan sẽ cho thông quan ngay. “Tôi cho rằng những trường hợp này hoàn toàn có thể cho kiểm tra sau thông quan” - vị này nói.
Điều 25 của Luật hải quan năm 2005 quy định: Thủ tục hải quan đối với kiểm tra chuyên ngành thì phải có kết quả kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp hàng hóa phải để giám định xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không, chủ hàng có yêu cầu đưa hàng về bảo quản thì cơ quan hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp có giám sát hải quan. |
Theo Đình Dân – Lê Thanh