MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu da giày mở ra nhiều thuận lợi

23-06-2013 - 10:22 AM |

Trong năm 2013, XK giày dép được kỳ vọng sẽ gặt hái thành công do có nhiều yếu tố thuận lợi từ thị trường, đơn hàng.

Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch XK giày dép đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này được đánh giá là rất khả quan trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn khó khăn.

Theo khảo sát của Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) hiện tại các DN da giày đều có đơn hàng ổn định, nhiều DN quy mô lớn còn nhận được đơn hàng đến quý III-2013. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch XK của ngành công nghiệp da giày tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhờ sức tiêu thụ ổn định từ các thị trường truyền thống.

Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu với kim ngạch 755 triệu USD, tiếp theo là Anh đạt 149 triệu USD, Bỉ đạt 140 triệu USD, Nhật Bản đạt 121 triệu USD và Trung Quốc đạt 114 triệu USD… Theo phân tích của Bộ Công Thương, bên cạnh các thị trường truyền thống, ngành da giày đang có xu hướng chuyển sang tìm kiếm các đơn hàng từ thị trường khu vực Nam Mỹ.

Các DN đẩy mạnh hợp tác đầu tư sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu da giày với các nước nhiều tiềm năng phát triển như Ấn Độ, Brazil, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hướng tới gia tăng XK trong thời gian tới.

Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa trong nước của ngành da giày mới chỉ đạt 40%. Trong năm 2013, ngành da giày đặt mục tiêu nâng dần tỉ lệ nội địa hoá các sản phẩm, phấn đấu đạt tỉ lệ nội địa hoá từ 60% đến 65%, nhằm chuẩn bị lực để da giày đón cơ hội về thị trường khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Theo đánh giá của LEFASO, Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp da giày Việt Nam thâm nhập vào khu vực thị trường lớn. Đặc biệt với mức thuế suất ưu đãi giảm từ mức 14,3% về 0% sẽ làm khả năng cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam khi tham gia vào các thị trường của TPP.

Ngoài ra, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (FTA EU) có hiệu lực, các sản phẩm da giày của Việt Nam cũng sẽ được nâng cao lợi thế khi tiếp tục được hưởng thuế trong Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) từ đầu năm 2014 tới tại các thị trường này.

Không chỉ vậy, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO còn cho rằng, ngành da giày Việt Nam đang được hưởng lợi từ những khó khăn phát sinh tại thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang có nhiều khó khăn như chi phí lao động tăng cao hơn, cùng với một số chính sách về mặt chính trị với một số nước thay đổi nên một số thị trường cũng có sự điều chỉnh và Việt Nam cũng được hưởng một phần trong sự điều chỉnh đó do thay vì tập trung đặt các đơn hàng ở Trung Quốc, nay các nhà NK có hướng chuyển một số sang các nước khác gia công, trong đó có Việt Nam

Theo dự báo, thị trường tiêu thụ giày dép toàn cầu dự kiến sẽ đạt 195 tỷ USD vào năm 2015. Trong năm 2012, thị trường giày dép toàn cầu đã vượt mức tiêu thụ 13 tỷ đôi. Tuy nhiên, hiện tại, người tiêu dùng đang thay đổi thói quen chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn và yêu cầu giá trị của hàng hóa cao hơn.

Do đó doanh thu của ngành da giày đã giảm ở những nước phát triển và chậm lại ở những nước mới nổi. Trước sự thay đổi của thị trường, không chỉ các nhà thiết kế các sản phẩm da giày đang phải chịu áp lực mà các nhà sản xuất và nhà bán lẻ cũng buộc phải cạnh tranh về giá cả lẫn giá trị sản phẩm.

Trong năm 2013, sản phẩm XK chủ lực của ngành da giày Việt Nam vẫn là giày thể thao và giày vải các loại, bên cạnh đó ngành da giày còn chú trọng phát triển XK mặt hàng cặp, túi xách để nâng cao kim ngạch cho toàn ngành. Mục tiêu của ngành giày năm 2013 này là hướng tới kim ngạch XK 9,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giày dép dự kiến đạt 8 tỷ USD.

Theo Nguyễn Huế

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên