Xuất khẩu da giầy, túi xách Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD
Năm 2013, xuất khẩu da giầy, túi xách Việt Nam đạt 10,32 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012, vượt 3% so với kế hoạch đề ra.
Đó là kết quả được công bố tại buổi tổng kết của Hiệp hội Da – Giầy- Túi xách Việt Nam vào sáng nay (14/1).
Với những kết quả ấn tượng đó ngành công nghiệp da giầy túi xách chiếm tới 11% kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng công nghiệp chế biến và 7,7% kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu túi xách, vali, cặp đạt được 1.920 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2012; giầy, dép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012. Xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 33,1% kim ngạch XK toàn ngành. Đặc biệt, XK vào thị trường Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây, chỉ tính riêng năm 2012 Việt Nam XK vào thị trường Mỹ tăng 3.462 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng kim ngạch XK toàn ngành. Hiện Việt Nam đứng thứ hai về XK giầy dép vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc.
Đối với thị trường nhập khẩu (NK), hiện có 10 nước NK giày dép lớn nhất từ Việt Nam, như: Mỹ, Anh, Đức, Bỉ, Canada, Chile, Trung Quốc (sau Italia), Phần Lan, Hàn Quốc.
Trong khi, trị giá NK nguyên liệu phục vụ da giày túi xách dệt may là 3,7 tỷ USD tăng 18% so với năm 2012, tạo thặng dư thương mại 6,6 tỷ USD góp phần đưa Việt Nam xác lập năm xuất siêu, ước đạt 863 triệu USD năm 2013.
Chủ tịch Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết: “Mục tiêu XK của ngành da- giày- túi xách năm 2014 ít nhất là 12 tỷ USD”.
Song song với tăng kim ngạch xuất khẩu, ngành da- giày- túi xách cũng tập trung hướng vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, sản xuất tiêu thụ nội địa gặp khó khăn do mã lực giảm. Tổng dung lượng thị trưởng nội địa ước khoảng 130-140 triệu đôi/năm, tương đương 1,5 tỷ USD. Dự kiến sản lượng giày dép do doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ nội địa đạt ở mức gần 70 – 75 triệu đôi, chiếm tỷ trọng gần 55%, còn lại chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Năm 2013, Bộ Công Thương giao kế hoạch cho ngành khoảng 9 tỷ USD, nhưng ngành đã hoàn thành xuất sắc 10,3 tỷ USD. Đặc biệt, các DN đều đã có đơn hàng cho năm 2014. Vì thế, đời sống CBCNVC năm 2013 toàn ngành tăng trên 15%, thu nhập bình quân của người lao động mới vào học nghề đã đáp ứng được khoảng trên 3 triệu đồng/tháng, những người làm việc lâu năm còn được thưởng trên 10 triệu đồng.
Phát biểu tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao những nỗ lực mà toàn ngành da- giày- túi xách Việt Nam đạt được.
Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2014, ngành da- giày- túi xách Việt Nam tiếp tục nắm bắt cơ hội để phát triển, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ.
Ông Phạm Hồng Việt- Giám đốc Công ty Cao su Hà Nội- cho rằng: Bước vào năm 2014 mặc dù DN có những thuận lợi nhất định trong các hiệp định được ký kết, nhưng DN cũng gặp phải không ít những rào cản, nên nếu DN nào không chuẩn bị kỹ cho mình từ cơ cấu, quản trị, nguồn nhân lực, tài chính… thì cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.
DN mong muốn duy nhất là các chính sách nhà nước phải ổn định, tạo niềm tin tạo cho DN đầu tư. Vì khó khăn nhất của DN da giầy hiện nay là tiền thuê đất, vì sử dụng mặt bằng nhiều hơn, lao động nhiều nhưng chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và tiền thuế đất lại cao nên làm cho gia tăng trong năm tới sẽ khó khăn.
Theo Kim Tuyến