Hàng trăm hộ dân ảnh hưởng bởi dự án ngàn tỉ, bỏ khu tái định cư
Sau thời gian ngắn về khu tái định cư, nhiều hộ dân đã quay lại nương rẫy, núi rừng bạt đồi dựng nhà vì cho rằng thiếu đất sản xuất.
- 01-04-2024Đồng Nai kiến nghị sớm điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành
- 01-04-2024Hà Nội xem xét trả đất dịch vụ bằng đất đấu giá, tái định cư và xen kẹt
- 30-03-2024Hậu Giang đầu tư 4 khu tái định cư hơn 1.200 tỷ đồng
Một ngày đầu tháng 4-2024, chúng tôi quay lại khu vực thôn 11, xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận cả trăm hộ dân đã bạt đồi, xẻ núi dựng nhà cửa.
Đây là các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy lợi Krông Pách Thượng nhưng không về hoặc về khu tái định cư được một thời gian rồi bỏ, lên đây dựng nhà. Dọc 2 bên đường Trường Sơn Đông đang xây dựng, băng qua đồi núi trùng điệp, những ngôi nhà tạm bợ đã mọc lên san sát.
Dưới cái nắng như đổ lửa, trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 40m2, vợ chồng chị D.T.H. e dè khi thấy người lạ tới. Sau ít phút làm quen, chị H. cho biết gia đình thuộc diện tái định cư của dự án thủy lợi Krông Pách Thượng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết nếu về khu tái định cư số 2 (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) của dự án thì phải đóng khoản tiền bằng số tiền được bồi thường, hỗ trợ. Trong khi đó, khu tái định cư số 2 vẫn chưa hoàn thiện nên gia đình thống nhất lên dọc đường Trường Sơn Đông dựng nhà sinh sống.
"Ở đây không có điện, nước phải kéo từ đồi về xa hàng km nhưng có đất đai để sản xuất. Còn nếu về khu tái định cư khi chưa có đất canh tác, vợ chồng vốn thuần nông, không biết làm gì sinh sống" - chị H. chia sẻ.
Một lãnh đạo UBND huyện M'Đrắk cho biết hiện dọc 2 bên đường Trường Sơn Đông (đoạn thôn 11, xã Cư San) đã có hơn 150 hộ dân tới làm nhà sinh sống. Người dân tự ý san lấp mặt bằng, dựng nhà ở dù đây không được quy hoạch làm đất ở. Trong đó, có 11 hộ đã về ở tại khu tái định cự dự án nhưng sau đó bỏ lên đây làm nhà. UBND huyện đã nhiều lần vận động, tuyên truyền các hộ dân đến khu tái định cư sinh sống nhưng người dân vẫn chưa chịu.
"Có dấu hiệu người dân tới khu vực này sinh sống ngày càng nhiều, kéo theo hệ lụy như phá rừng, rất khó kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện khu tái định cư và hỗ trợ người dân tới an cư lạc nghiệp" - vị này thông tin.
Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng do Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng. Dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Riêng hạng mục xây dựng 2 khu tái định cư cho hàng trăm hộ dân do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Dù dự án đã tích nước từ lâu nhưng khu tái định cư số 2 vẫn còn ngổn ngang, nhiều hộ dân tới ở chưa có đất canh tác.
Người lao động