MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng trăm vụ kiện, không lãnh đạo nào chịu ra tòa

22-08-2018 - 13:51 PM | Xã hội

Trong 3 năm, TAND thành phố Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính, nhưng chưa có vụ nào, lãnh đạo UBND thành phố tham gia tố tụng.

Còn tại TP HCM trong năm 2017 có 260/260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa.

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành không đối thoại

Ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 10 để cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND.

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, qua báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương và kết quả trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn giám sát nhận thấy: Chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện UBND không tham gia tối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý, năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp ba lần so với trước khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015.

Có những địa phương, sau khi luật này có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên cấp phó cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Đoàn giám sát dẫn chứng, tại thành phố Hà Nội, trong 3 năm, TAND thành phố Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính, nhưng chưa có vụ nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tham gia tố tụng.

Còn tại TP.HCM, trong năm 2017 có 260/260 vụ án hành chính (chiếm 100%) không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa.

“Có những địa phương sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập”, bà Thủy cho hay.

Về lý do không tham gia tố tụng, các địa phương đều nêu do “bận công tác” và do Luật Tố tụng hành chính 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính 2010, dẫn đến khó khăn.

Tuy nhiên lý do này khó được chấp nhận, bởi trong thực tiễn có những địa phương, mặc dù số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện UBND vẫn bố trí người tham gia nghiêm túc. Nhưng ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện thường xuyên xin vắng mặt, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ.

Bên cạnh đó, còn tình trạng một số địa phương cử cán bộ tham gia tố tụng nhưng những người này lại không thể quyết định được những vấn đề trong vụ án, nên lại đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa để về xin ý kiến Chủ tịch UBND, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết.

Gây bức xúc cho người dân

Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các vụ án hành chính, người khởi kiện đều mong muốn được trực tiếp đối thoại với Chủ tịch UBND hoặc người đại diện có thẩm quyền của UBND. Việc sửa quy định về cử người đại diện tham gia tố tụng nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính được triệt để, khắc phục tình trạng vụ án giải quyết bị kéo dài như trước đây.

Song qua giám sát cho thấy, tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân như nêu trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành quyết định hành chính cũng như việc thực hiện hành vi hành chính để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ yêu cầu các UBND rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Về thi hành án, theo đoàn giám sát, hạn chế lớn nhất là vẫn còn 36 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được Chủ tịch UBND và UBND thi hành, gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành.

Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là hạn chế lớn nhất và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, một số Chủ tịch UBND và UBND chưa quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính, thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của cơ quan thi hành án dân sự nên ủy quyền cho cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ mà lẽ ra UBND phải có trách nhiệm thực hiện.

Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất trong công tác thi hành án hành chính là tình trạng cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên “ngại va chạm” với chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm 2015 – 2017, 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm những người này. 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự không đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên