Hàng triệu người dân Hà Nội, Sài Gòn bị tắc đường: Mỏ vàng lớn đang chờ Vingroup, CII... và giới doanh nghiệp khai thác
Đầu tư theo hình thức BT là một miếng bánh hấp dẫn mà chỉ cần chính sách sẵn sàng, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp nóng lòng tham gia.
5h30 chiều. Len lỏi giữa dòng xe đang ùn ứ, Mai cố gắng rẽ vào vỉa hè đường Nguyễn Kiệm để kịp giờ đón con tan học. Chen chúc giữa dòng người đông đúc và vội vã lúc tan tầm, Mai dễ dàng cảm nhận không khí ngột ngạt đang nóng lên từng phút.
Hôm nay, cũng như bao ngày khác, chiếc xe của Mai đang phải nhích từng chút, từng chút một. Nhiệm vụ đón con đúng giờ, nhiều khả năng, sẽ không thực hiện được.
Kẹt xe và túi ngân sách eo hẹp
Mai không phải là trường hợp cá biệt. Cô chỉ là một trong số hơn 8,5 triệu người dân Tp.HCM đang hàng ngày đối mặt với vấn nạn kẹt xe. Mỗi buổi sáng và chiều, tình trạng kẹt xe luôn diễn ra tới cả giờ đồng hồ trong khu trung tâm và những nút giao thông trọng điểm vào thành phố.
Sự gia tăng chóng mặt của dân số, đi kèm với đó là các phương tiện cá nhân đang khiến tình hình giao thông ở đây ngày một trầm trọng. Theo thống kê của năm 2015, trên địa bàn thành phố có tới 6,2 triệu xe máy với hơn 600.000 ô tô, xe buýt, chưa kể đến số lượng xe mang biển kiểm soát tỉnh đang hoạt động trên địa bàn.
Tp.HCM cũng là địa phương có mật độ xe máy đứng đầu thế giới với 910 xe/1000 dân so với Hà Nội là 653 hay Bangkok là 265, Dehli: 175, Jakarta: 160.
Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Phương tiện giao thông ngày một nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng không thể đuổi kịp theo nhu cầu đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ước tính hiện tại, toàn thành phố có tới 37 điểm ùn tắc giao thông ở khắp mọi nơi, từ khu vực trung tâm thành phố, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cửa ngõ vào thành phố và cả khu vực cảng Cát Lái.
"Thiệt hại do tắc nghẽn giao thông hàng năm vào khoảng 23.000 tỷ đồng, một con số vô cùng lớn", ông Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học, Đại học KH-XH&NV TP HCM chia sẻ với báo chí. Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông của ĐH Bách Khoa TPHCM cũng đánh giá, sự xuất hiện tràn lan của xe máy đang kéo lùi sự phát triển của trọng điểm kinh tế cả nước tới 7 – 8% mỗi năm.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng kẹt xe này. Các nhà quy hoạch nhận định, kẹt xe kéo dài xuất phát từ việc cấp phép ngược: Đầu tư dự án nhà ở xong mới đến làm cầu đường cũng như phát triển đô thị vệ tinh chưa đồng bộ, chưa đủ phục vụ dân cư.
Tựu chung lại, vấn đề rõ ràng nhất mà bất cứ ai cũng nhìn ra đó là lưu lượng giao thông – mà cụ thể ở đây là xe máy đang hoạt động tại Tp.HCM quá lớn. Để giải quyết bài toán này, thông thường các nhà quy hoạch sẽ đưa ra 2 phương án. (1) là mở rộng khổ đường và (2) là phát triển giao thông công cộng. Trong đó phương án (2) được đặt lên làm trọng tâm và đó cũng là cách được các quốc gia phát triển thực hiện.
Phương án thì không khó để tìm ra, nhưng tìm kiếm nguồn đầu tư lại là bài toán đau đầu với những người đứng đầu thành phố. Số liệu từ Sở giao thông vận tải cũng cho biết để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch giai đoạn 2020-2025, thành phố cần 553.879 tỷ đồng kinh phí cho 203 dự án trong đó gồm 339.946 tỷ đồng cho các dự án công trình giao thông cầu đường bộ, 71.458 tỷ đồng cho các công trình bãi đậu xe ô tô và 142.475 tỷ đồng cho các dự án vận tải hành khách công cộng.
Như vậy tính trung bình mỗi ngày trong giai đoạn này Tp.HCM cần hơn 300 tỷ đồng kinh phí đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Một con số không hề nhỏ.
Trong buổi hội nghị mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị đầu tháng 6 vừa qua, giám đốc Sở giao thông vận tải Tp.HCM Bùi Xuân Cường thẳng thắn cho biết dù được coi trọng nhưng do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên kết quả đầu tư hạ tầng giao thông chưa hoàn tất theo quy hoạch. Hiện ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 31,8%.
Thêm vào đó, các chuyên gia kinh tế nhận định Tp.HCM sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách và trọng điểm trong bối cảnh điều tiết ngân sách địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020.
Khi tư nhân tham gia gỡ rối
Việc Tp.HCM mời gọi hơn 100 doanh nghiệp tham gia cuộc họp đầu tư phát triển đô thị cũng phần nào chỉ ra hướng đi để giải quyết nạn ùn tắc của thành phố. Đó là kêu gọi sự hỗ trợ từ vốn xã hội hóa. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách không còn đáp ứng được thì việc kêu gọi tư nhân tham gia dưới các hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) được xem là bước đi hợp lý, được nhiều nơi trên thế giới thực hiện.
Bản thân tư nhân cũng rất quan tâm với những dự án kiểu này. Keeree Kanjanapas, nhà sáng lập và chủ tịch của tập đoàn Thái Lan BTS Group áp dụng cách đây 20 năm. Năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á kéo nhiều doanh nghiệp xuống đáy và BTS cũng mấp mé miệng vực. Thế nhưng theo lời kể lại của con trai ông, "bố tôi đã quyết định đem toàn bộ tài sản của mình, kể cả mọi thứ ở Bangkok để hoàn thiện BTS". Skytrain ra mắt vào cuối năm 1999 sau khi BTS tiếp nhận lại dự án từ Hopewell Holdings.
Với sự hợp tác cùng một đối tác bất động sản khác, BTS Group có 5 dự án bất động sản lớn được triển khai, tất cả đều gần với các trạm trung chuyển hiện tại hoặc sắp được xây dựng và đang được bán với tốc độ rất nhanh. Theo Forbes Asia ước tính, hiện khối tài sản của Keeree vào khoảng 1,45 tỷ USD.
Hay ngay tại Hà Nội, mới đây, tại hội nghị kêu gọi đầu tư cách đây vài ngày, chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung giới thiệu danh mục các dự án mong muốn thu hút đầu tư trong đó có 17 dự án theo hình thức hợp tác công tư PPP với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng. Trong nhóm này có tới 11 dự án về hạ tầng giao thông, đô thị. Ngay tại hội nghị, tập đoàn Vingroup đã ký bản ghi nhớ sẽ đầu tư 100.000 tỷ đồng làm đường sắt tư nhân. 5 tỉ đô la vốn đầu tư vào đường sắt thực sự là một con số khổng lồ.
"Đây là cuộc đổi đời của công ty", ban lãnh đạo CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. HCM (CII) phát biểu trên báo giới khi nói về cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BT. Năm 2001, trước nhu cầu vốn cấp bách cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật ngày càng tăng tại địa phương này, CII được thành lập với 3 cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Tp.HCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM, Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong Tp.HCM và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Tp.HCM.
Hiện CII là một công ty đi đầu trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán đề đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cũng như lọt top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017 do Forbes bình chọn với 1.211 tỷ đồng doanh thu, 838 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2016.
CII hiện đang tiến hành triển khai các dự án BT lĩnh vực giao bám sát khu vực Thủ Thiêm của Tp.HCM. Đổi lại nhà nước cấp quyền sử 10 ha đất cũng tại khu vực này để CII xây dựng dự án bất động sản mà hiện giá trị tăng rất cao.
Cách làm này giúp họ nhận được các khu đất ở vị trí đắc địa mà không phải qua đấu giá và thực hiện các thủ tục phức tạp. Chưa kể giá trị bất động sản sẽ tăng nhiều lần vì các mảnh đất này thường nằm ở những con đường mà chủ đầu tư thực hiện.
Chiến lược "đổi đất lấy công trình" không mới, và sắp tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục được thúc đẩy để Tp.HCM nâng cấp cơ sở hạ tầng còn yếu kém của mình. Trong hội nghị đầu tư tại Tp.HCM nêu trên, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong trả lời với các doanh nghiệp quan tâm đến quỹ đất thực hiện dự án BT rằng đất ở các khu vực trung tâm và Thủ Thiêm đã hết, các nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì chỉ còn ở các quận khác.
Tất nhiên, hình thức đầu tư dự án BT cũng có rủi ro với doanh nghiệp. Ông Bùi Dương Hùng, chủ tịch HĐQT CTCP Licogi 16 cho rằng khi đầu tư muốn tìm một khu đất để hoàn vốn cho dự án thì không có thông tin về khu đất đó, muốn tìm hiểu pháp lý cũng khó. Ngoài ra việc giải phóng mặt bằng cũng dự án hạ tầng hiện cũng chưa ấn định thời gian hoàn thành cụ thể. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cũng lo ngại việc khu đất được sang nhượng sẽ khó tăng giá như kỳ vọng để thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị chính quyền thành phố rà soát lại quy hoạch sử dụng đất với sự tham gia của doanh nghiệp và nhà khoa học. Thành phố cũng cần công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và đưa lên mạng để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu thì tìm hiểu cùng với đó là việc rà soát quy hoạch, hoàn thiện môi trường đầu tư.
Dù sao, nhìn từ động thái của Vingroup hay câu chuyện ở những thành phố tương tự Việt Nam như Bangkok, có thể thấy đầu tư theo hình thức BT vẫn là một miếng bánh hấp dẫn mà chỉ cần chính sách sẵn sàng, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp nóng lòng tham gia.
Trí thức trẻ