MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng triệu sinh viên mở tài khoản ngân hàng online chú ý: Cẩn thận bị mất tiền vì lý do này

25-10-2024 - 10:56 AM | Smart Money

Mới đây, Công an TP Thủ Đức phát đi thông đến các trường học về thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng online.

Theo công an TP Thủ Đức, hiện nay xuất hiện tình trạng kẻ gian cố tình tiếp cận học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân (CCCD), sau đó đưa điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking.

Cơ quan công an cho biết, những đối tượng này sẽ yêu cầu các học sinh, sinh viên trả lại điện thoại, và phải cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP). Đồng thời, kẻ gian thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của học sinh, sinh viên để phục vụ xác minh danh tính khi có yêu cầu của ngân hàng.

Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…

Trước thực trạng này, cơ quan Công an cảnh báo học sinh, sinh viên tuyệt đối không cho thuê, bán tài khoản ngân hàng online.

Cơ quan công an cũng nhấn mạnh, hành vi nhận tiền từ các đối tượng nêu trên đã cấu thành hành vi phạm vi phạm pháp luật. Nếu cho thuê, mượn, mua bán từ 1-10 tài khoản sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng. Còn nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng.

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã ban hành một loạt quy định về những hành vi bị cấm và xử phạt vi phạm hành chính trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Cụ thể, tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP ban hành tháng 5-2024 về thanh toán không tiền mặt nghiêm cấm cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán...

Quy định hiện nay cũng cấm mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh).

Kể từ đầu tháng 7-2024, Quyết định số 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước quy định, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

NHNN cũng ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó, một số quy định liên quan việc xác thực dữ liệu sinh trắc học của khách hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, khách hàng chỉ được rút tiền và giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử (như chuyển tiền online) khi đã hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2025, tất cả chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký sinh trắc học nếu muốn thực hiện giao dịch online.

Nguyễn Minh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên