Hàng vạn người dân Tp.HCM sẽ hết sức vui mừng khi cây cầu gần 350 tỷ đồng này bắt đầu được xây dựng
Ngày 27/3, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư) thuộc Sở GTVT TP.HCM đã khởi công xây dựng cầu Vàm Sát 2 huyện Cần Giờ.
Cầu Vàm Sát 2 được xây mới với chiều dài 432,7m, rộng 10m; đường đầu cầu dài khoảng 647m kết nối vào đường Lý Nhơn và đường Đê Soài Rạp. Ngoài ra, dự án bao gồm hệ thống chiếu sáng, tổ chức giao thông và một số hạng mục phụ trợ khác hoàn chỉnh theo cấp đường.
Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn, phía đường Rừng Sác, cách mố cầu hiện hữu khoảng 600m. Điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp. Tổng chiều dài khoảng 1.080m.
Tổng mức đầu tư gần 350 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP.HCM, trong đó chi phí xây dựng 247 tỷ đồng, chi phí GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật 22,5 tỷ đồng.
Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 cho biết, việc xây dựng cầu Vàm Sát 2 trên đường Lý Nhơn là rất cần thiết nhằm thay thế các cầu yếu trên địa bàn TP.HCM, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao thông đường bộ qua cầu Vàm Sát có chiều hướng gia tăng, đảm bảo an toàn giao thông khu vực, đặc biệt phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt ...
Sau khi cầu xây dựng xong sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết vùng lân cận các tỉnh Long An và Tiền Giang nhằm thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hết tiềm năng du lịch của xã Lý Nhơn nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung.
Khu vực xã Lý Nhơn là một trong các căn cứ kháng chiến của mảnh đất Rừng Sác Cần Giờ. Trước năm 2005, giao thông kết nối vào xã Lý Nhơn bị chia cắt bởi sông Vàm Sát. Nhằm giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Cần Giờ, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã tạo điều kiện và cầu dây văng Vàm Sát bắc qua sông Vàm Sát trên tuyến đường giao thông chính Lý Nhơn kết nối đường Rừng Sác vào xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ đã được xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng năm 2005.
Kết cấu cầu dây văng, tải trọng 8T, mặt cầu chỉ rộng 4m cho 1 làn xe, không đáp ứng yêu cầu giao thông khu vực và nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của xã Lý Nhơn - xã nông thôn mới được thành phố công nhận năm 2014.