MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành động của khối ngoại có quá đáng ngại?

Sự rút lui của dòng vốn ngoại trong thời gian qua đang tạo ra sự e dè đối với nhà đầu tư trong nước khi quyết định giải ngân vào kênh đầu tư này.

Tính từ đầu năm 2016 cho đến chốt phiên giao dịch tuần trước, 09/12/2016, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 7.400 tỷ đồng trên sàn HOSE. Con số trên sàn HNX là 1.100 tỷ đồng.

Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 8.500 tỷ đồng trên cả hai sàn, tương đương con số gần 370 triệu USD. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn cả giai đoạn khủng hoảng năm 2008.

Với sự rút vốn của mạnh của khối ngoại trong thời gian gần đây, các chuyên gia đều cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của việc nước ngoài liên tục rút vốn là sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ.


TS Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng Dragon Capital (ngoài cùng bên trái)

TS Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng Dragon Capital (ngoài cùng bên trái)

Nước ngoài thực chất mua ròng trong năm 2016

Bàn về chủ đề này, tại hội thảo “Thị trường chứng khoán 2017: Cơ hội không dành cho tất cả” do CTCK Maybank Kimeng VN (MBKE) phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán Tp HCM tổ chức tại TP HCM vừa qua, TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế gia trưởng Dragon Capital cho rằng, nếu chỉ nhìn vào hành vi bán ròng của khối ngoại là chưa đủ để đánh giá phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư này trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bởi lẽ, cần nhìn vào việc khối ngoại đã mua vào lượng trái phiếu, cổ phiếu phát hành riêng lẻ mới có góc nhìn toàn diện vì các số liệu này không công bố trên sàn.

Ông Tuấn cho biết, tổng giá trị mua trái phiếu và cổ phiếu phát hành riêng lẻ của khối ngoại lên đến 950 triệu USD, so với con số bán ròng thì nhìn tổng thể, dòng tiền mua vào vẫn chiếm ưu thế lớn hơn.

Trong khi đó, nếu nhìn tổng thể, áp lực bán ròng chủ yếu diễn ra tại cổ phiếu VIC. riêng cổ phiếu VIC của Tập Đoàn Vingroup đã bị rút ròng 6.272 tỷ đồng tính từ đầu năm đến 08/12/2016, chiếm gần 74% so với toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do vậy, nếu loại trừ VIC thì con số bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện là không đáng kể, chưa đến 100 triệu USD.

Năm 2017, thị trường của trí tuệ

Việc đồng USD mạnh lên như thế nào có vai trò rất quan trọng đối với các quyết định đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, chính sách điều hành kinh tế của vị Tổng thống Mỹ mới là một trong những vấn đề được giới đầu tư quan tâm.

Kinh tế trưởng Dragon Capital cho rằng, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực thi việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước, sẽ thực hiện chính sách đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên, Ông Tuấn cho rằng đồng USD sẽ tăng không quá mạnh như giai đoạn từ 2010 đến 2015 vì nếu đồng USD quá mạnh sẽ đi ngược lại cái mà Trump mong muốn là tạo việc làm, tăng sản xuất giao thương…

“Trong ngắn hạn, việc đồng USD tăng mạnh đã và đang làm tổn thương các thị trường mới nổi. Nhưng trong trung và dài hạn, khi nền kinh tế Mỹ tốt hơn, thì các nước mới nổi cũng sẽ tốt lên, số liệu quá khứ đã chứng minh điều đó”, ông Tuấn nhìn nhận.

Về yếu tố tỷ giá tác động tới dòng vốn ngoại, ông Tuấn cho biết, lượng bán ròng trái phiếu của Việt Nam là 400 triệu USD kể từ khi ông Trump thắng cử, đây là nguyên nhân khiến tỷ giá biến động trong cùng thời điểm. May mắn cho Việt Nam là trái phiếu Chính phủ được nắm bởi nước ngoài thấp.

“Năm 2008, nước ngoài nắm gần 50% tương đương khoảng hơn 4 tỷ USD. Lúc đó, khi nước ngoài bán ào ạt trái phiếu thì tỷ giá USD/VNĐ ngay lập tức tăng vọt từ 15.900 đồng tăng vọt lên 19.300 đồng.

Sau hơn 8 năm, nước ngoài chưa mua lại trái phiếu Chính phủ. Số lượng nắm giữ trái phiếu Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài rất nhỏ. Năm nay là năm đầu tiên nước ngoài trở lại mua ròng trái phiếu Việt Nam với lượng mua vào khoảng gần 1 tỷ đô và bán ra khoảng 400 triệu USD đợt vừa rồi.”

"Chỉ có những quốc gia có nước ngoài nắm trái phiếu lớn thì mới đáng ngại”, ông Tuấn đánh giá.

Hiện tại, chỉ số giá so với thu nhập (P/E) của thị trường Việt Nam đã ở mức tương đương với các thị trường khác, điều này khiến tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đã kém hơn so với 1 năm trước. Ông Tuấn cho rằng, khi xem xét chỉ số P/E cần đi kèm với đánh giá tốc độ tăng trưởng.

“Hiện tốp 5 công ty hàng đầu hiện nay như VNM, GAS, VCB… đã chiếm gần 40% chỉ số VnIndex. Nếu loại 5 công ty này ra khỏi cách tính Vnindex, đồng thời loại 5 công ty tương tự tại các thị trường lân cận thì thì chỉ số P/E của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 11,5 lần. Chưa kể, nếu loại trừ một số cổ phiếu như ROS thì chỉ số này có thể đã giảm. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một trong những tín hiệu tích cực của thị trường đó chính là hiện tượng nhiều cổ phiếu trên sàn bị bán giá sàn đến hàng chục triệu cổ phiếu. Thị trường cần có trí tuệ nhất định, để đầu tư vào các cổ phiếu có chất lượng tăng trưởng tốt, đó mới là nơi kiếm tiền, nơi trú ẩn tài sản rất tốt”, ông Tuấn nhận định năm 2017 vẫn sẽ có cơ hội lớn để đầu tư, nhưng rõ ràng sẽ có sự phân hóa rất mạnh.

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Trở lên trên