Hành lang bơm dầu mới của Nga ở Nam Á
Afghanistan có kế hoạch xây dựng trung tâm hậu cần cùng với Turkmenistan và Kazakhstan phân phối dầu của Nga cho Nam Á.
- 12-05-2024Các công ty Trung Quốc thắng thầu khai thác nhiều mỏ dầu và khí đốt ở Iraq
- 05-05-2024Nga: Tập đoàn dầu khí Gazprom lỗ kỷ lục khi thị trường châu Âu ‘đóng cửa’
- 27-04-2024Houthi bắn tên lửa vào tàu chở dầu từ Nga trên biển Đỏ?
Quyền Bộ trưởng Bộ Công thương Afghanistan Haji Nooruddin Azizi cho biết, quốc gia này đang có kế hoạch khởi động các cuộc đàm phán với Nga về một trung tâm hậu cần ở tỉnh Herat của Afghanistan, Sputnik đưa tin.
Theo ý tưởng của phía Afghanistan, trung tâm hậu cần ở Afghanistan không chỉ thúc đẩy việc nhập khẩu dầu của Nga mà còn có thể tạo ra một hành lang phân phối cho khu vực Nam Á ở Turkmenistan và Kazakhstan.
“Chúng tôi muốn tiến hành các cuộc đàm phán về vấn đề này để một phần quá trình vận chuyển dầu của Nga đi qua lãnh thổ Afghanistan - đó là con đường ngắn nhất” - ông Azizi nói bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế “Nga – Thế giới Hồi giáo: KazanForum”.
Ông nói thêm rằng Kabul đã có chương trình xây dựng một trung tâm hậu cần tương tự với Turkmenistan và Kazakhstan với sự tham gia của khu vực tư nhân Afghanistan.
Quyền Bộ trưởng Azizi cho biết Afghanistan đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nhưng vào năm 2023, một số hạn chế nhất định đã xảy ra và Kabul kỳ vọng rằng những hạn chế này sẽ không còn được áp dụng nữa.
"Chúng tôi đã có thỏa thuận với Nga, chúng tôi cũng triển khai chương trình nhập khẩu dầu với sự tham gia tích cực hơn ở khu vực tư nhân, sau đó việc cung cấp dầu cho Afghanistan bắt đầu. Thật không may, Nga đã hạn chế xuất khẩu dầu sang Afghanistan vào năm ngoái" - ông Azizi cho biết thêm.
Hiện, Afghanistan cần khoảng 4 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ và dầu mỗi năm. Quan chức này giải thích, Afghanistan ký các hợp đồng ngắn hạn với các công ty Nga để cung cấp các sản phẩm dầu mỏ và dầu mỏ, sau đó sẽ được đàm phán lại.
Afghanistan không nằm trong tuyến hành lang vận tải quốc tế Bắc Nam (NSTC) mà Nga đã triển khai cùng các quốc gia châu Á như Azerbaijan, Iran, Ấn Độ. Đây là một mạng lưới đa phương thức gồm đường thủy, đường sắt, đường bộ, kéo dài 7.200km.
Tuyến đường này có thể giảm thời gian vận tải từ 30% đến 50% so với kênh đào Suez và tránh các vấn đề an ninh nghiêm trọng tại Biển Đỏ.
Ưu điểm của hành lang Bắc Nam nằm ở sự cô lập địa lý, tạo điều kiện cho việc tránh xa sự can thiệp từ phương Tây. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó sẽ tránh được những rủi ro trong khu vực.
Giáo Dục Thời Đại